Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh - Phó đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước chia sẻ: việc lấy phiếu tín nhiệm căn cứ trên cả quá trình các chức danh quản lý, quá trình điều hành và tổng thể từ những năm trước đây tới nay. Dựa vào đó đại biểu sẽ có cách nhìn tổng quan để đánh giá.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, các đại biểu cũng không nên quy chụp một vài sự kiện, hiện tượng để lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là quá trình giám sát các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, để các cá nhân đó nhìn vào kết quả mà phấn đầu nhiều hơn, đề ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực điều hành của mình.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh |
Còn theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang đánh giá giữa kỳ. Sẽ có cơ sở để đánh giá các chức danh này không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, để có điều kiện nhắc nhở thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi.
Đây là công việc rất bình thường và những người được bầu vào những chức danh đó cần cố gắng hơn rất nhiều lần so với những người khác. Cố gắng trong cả lời nói và việc làm, trong cả tư duy và những vấn đề có liên quan đến công việc, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, tức là liên quan đến cả công việc và con người.
Việc đánh giá của các đại biểu đối với các chức danh này không chỉ dựa trên cơ sở báo cáo cá nhân của các thành viên đó, mà dựa trên toàn bộ những vấn đề giám sát.
“Chúng tôi có rất nhiều cơ hội và cơ sở để giám sát, nhiều thông tin qua công luận, báo chí, ý kiến cử tri và trực tiếp giám sát ở tất cả các nơi. Cá nhân tôi đi rất nhiều nơi nên tôi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Cũng theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là để nhân dân và các cơ quan lãnh đạo của Đảng biết được người mà Đảng giới thiệu sang làm nhiệm vụ Nhà nước có đảm bảo đầy đủ phẩm chất và năng lực không; có nên tiếp tục giữ trọng trách đó không.