Hai chữ Nho trên tấm bia là “Hạ mã”, hiểu nôm na là “xuống ngựa”. Thực tế, bia hạ mã chỉ là biển báo giao thông mà thời ngày xưa, được các chức sắc trong làng trong tổng đặt trước các nơi quan trọng như phủ, miếu hoặc nơi ở của vua và các quan chức cao cấp.
Theo quy định thời phong kiến, những ai cưỡi ngựa khi nhìn thấy biển báo này thì phải xuống ngựa dắt bộ để thể hiện sự kính trọng với thần, vua, quan.
Ngay tại Hà Nội, bia hạ mã không phải hiếm gặp. Ở các di tích, đình đền còn khá nhiều. Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng còn một số tấm bia hạ mã, và được trân trọng đặt trong một hình khối giống ngôi miếu, có lẽ là để tránh mưa nắng, thuận tiện cho việc bảo quản hiện vật.
Còn đa số các nơi, bia hạ mã vẫn đặt trên nền đất hoặc có bệ đặt tấm bia đó.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà bia hạ mã bỗng dưng trở thành một vị thần. Người ta kéo đến thắp hương vái lạy rất thành tâm. Có người đến hỏi một bạn trẻ, tại sao lại vái lạy tấm bia? Cô gái trả lời là không biết, thấy người khác vái thì mình cũng vái theo.
Lại hỏi phụ huynh của một học sinh, người này trả lời, tấm bia đá chính là một vị thần, vì được đặt trong một ngôi miếu. Người này không hiểu hai chữ “Hạ mã” nên cho rằng, hai chữ đó ghi tên một vị thần nào đó.
Không chỉ ở Hà Nội, mà tại các tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình… tấm bia hạ mã cũng rất được tôn kính. Có lần đi qua ngôi đền cổ ở Nam Định, thấy một bà quỳ xuống thắp hương vái lạy tấm bia cạnh con đường cái quan. Tôi tò mò dừng lại hỏi thì bị bà mắng cho té tát. Bà cho rằng, đó là ngôi mộ của Thành hoàng làng, hai chữ Nho “Hạ mã” là ghi tên của ngài.
Bia “Hạ mã” không khác gì các biển báo giao thông hiện nay, nhưng vì không hiểu ý nghĩa, nên càng ngày càng nhiều biển báo giao thông được… phong thần.
Nhưng đáng buồn hơn, công chức văn hóa ở nhiều địa phương, dù biết người dân nhầm lẫn nhưng không hề có động thái giải thích hay nhắc nhở gì.
Trước vấn nạn coi bia hạ mã là thần thánh, GS Sử học Lê Văn Lan nói rằng, nhiều người đến cầu khấn, cố gắng thắp hương cả những nơi ban quản lý không cho phép. Họ không hiểu phải làm gì, xin gì, di tích thờ phụng ai… Đó là những hành động đáng phải lên án.
Người Việt hay có tâm lý ỷ lại vào thần thánh, với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” thì việc khấn vái cũng dễ thông cảm. Tuy vậy, khấn tùy nơi, vái tùy chỗ sao cho xứng đáng thì mới thể hiện lòng thành và làm đẹp lòng thánh thần.
Đằng này, vì thiếu hiểu biết lại một lòng cuồng tín coi tấm biển báo giao thông ngang hàng thánh thần, thì thử hỏi bề trên sao hài lòng trước thói mê muội ấy? Hơn nữa, vái lạy bừa bãi còn là hành động phản văn hóa, phá vỡ các quy tắc tâm linh tốt đẹp của dân tộc, làm tổn hại tới nền văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp.