Cơ quan các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Hiện đại (DARPA), Phòng khoa học và công nghệ quân sự Mỹ, có kế hoạch chế tạo loại máy bay có thể bay ở tầm thấp trên mặt nước đến khi đến gần mục tiêu thì lặn xuống dưới biển để tránh bị phát hiện.
Sau đó, dưới dạng tàu ngầm, nó sẽ tiếp cận mục tiêu gần hơn trước khi tấn công, mục tiêu có thể là một chiếc tàu hay cơ sở ven biển và bay trở về.
Theo tạp chí New Scientist, dự án phát triển từ năm 2008 này đã tiến triển đến giai đoạn đề xuất thiết kế, và nhiều nhà thiết kế khác đã nộp các mẫu của mình. DARPA có thể sẽ bắt đầu phân bổ kinh phí cho các nhà phát triển trong vòng một năm nữa.
Trong khi các nguyên tắc bay thuỷ động lực học và khí động lực học tương tự nhau, thì những thách thức về công nghệ lại là vấn đề lớn cần xem xét kỹ. Máy bay cần phải càng nhẹ càng tốt, để chúng có thể sử dụng năng lượng tối thiểu để cất cánh, trong khi tàu ngầm lại cần phải nặng và chắc chắn để chịu được áp lực nước. Máy bay được nâng lên bởi luồng khí chạy dưới cánh, còn tàu ngầm chỉ đơn giản là bơm nước vào và ra để thay đổi mức nổi của chúng.
Một phương pháp để giải quyết vấn đề này là thiết kế một tàu ngầm nhẹ hơn nước, nhưng - giống như một chiếc máy bay lộn ngược - sử dụng sức nâng do đôi cánh tạo ra để đẩy nó xuống bề mặt nước. Sau đó, sau khi nổi lên, “góc tiếp xúc” của đôi cánh sẽ được thay đổi để tạo ra lực nâng hướng lên, giúp nó bay.
Graham Hawkes, một nhà thiết kế tàu ngầm, cho rằng vật liệu tổng hợp composite sợi carbon nhẹ hiện đại có thể được sử dụng để sản xuất một phương tiện vừa đủ chắc chắn vừa đủ nhẹ để bay bên trên và bên dưới nước. Ông đã thiết kế và dựng một chiếc tàu có thể lặn được mang tên "Super Falcon" sử dụng cánh ngắn và mập để “bay” sâu đến 300m dưới nước. Ông cho biết nếu được trang bị các động cơ phản lực và cánh lớn hơn, thì nó có thể bay với tốc độ tới 900k/h trên không, trong khi vẫn có khả năng di chuyển dưới nước với tốc độ khoảng 18k/h. Ở những tốc độ này, tác động của nước và không khí đối với bề mặt điều khiển là tương tự nhau. “Nghĩ về việc nó bay dưới nước. Điều này có thể làm được, nhưng cần rất nhiều công việc” – ông nói.
Một vấn đề có thể được khắc phục là: để đôi cánh bắt đầu tạo ra sức đẩy xuống phía dưới, chiếc máy bay phải xuống nước, nhưng một con tàu nhẹ hơn nước sẽ phải chật vật để làm điều này. Ông Hawkes đề nghị rằng hãy bắt chước những con chim: “Bạn có thể cắm mũi xuống và lặn, bơi trong nước. Điều này sẽ rất tuyệt”
Có một loạt vấn đề về thiết kế khác cần phải được khắc phục. Những bộ pin thông thường có khả năng giúp tàu hoạt động được 44km (28 dặm) - theo như DARPA đã chỉ rõ - có thể sẽ nặng hơn phần còn lại của tàu, nhưng để tàu chạy bằng nhiên liệu thông thường sẽ cần cung cấp khí, có nghĩa là phải có một ống thông hơi và độ sâu tối đa chỉ là vài mét.
Bên cạnh đó, các động cơ phản lực, khi chạy sẽ có nhiệt độ vài trăm độ C, rất có thể sẽ bị nổ do thay đổi đột ngột về nhiệt độ nếu chúng nhanh chóng lặn xuống nước sau khi bay, nhưng các động cơ piston sẽ không thể hoạt động được khi lặn dưới nước. Ông Jim McKenna, một kỹ sư thuộc Cơ quan Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh, nói: "Bạn không thể để cho nước biển lạnh tiếp xúc với một động cơ nóng bởi vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm nó nổ tung." Giấc mơ về một chiếc tàu ngầm bay của Lầu Năm góc vẫn còn là điều xa vời.
Minh họa tàu ngầm bay LPL của Nga |
Tuy nhiên, Nga đã đưa ra ý tưởng về tàu ngầm bay từ năm 1934 có tên gọi LPL. Để bay, chiếc tàu ngầm này sử dụng 3 động cơ. Nó có thể bay 240km/giờ với tầm bay xa tới 800 km. Khi LPL trở thành tàu ngầm, nó đạt vận tốc 3 hải lý. LPL có thể xâm nhập vào bến cảng được canh phòng cẩn mật và tấn công các chiến hạm của kẻ thù.
Hà Châu (Theo Telegraph và Youtube)