Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy các giải pháp quản lý thị trường vàng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn và phải hoàn thành trong tháng 6/2025.
NHNN đã triển khai một số biện pháp nhằm can thiệp thị trường như: Tổ chức đấu thầu vàng và phân phối vàng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, Công ty SJC. Các biện pháp này từng giúp thu hẹp mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá thế giới, tạo bình ổn giá.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, nghiên cứu, đầu tư hệ thống để khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong kinh doanh vàng. Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nhiều tồn tại đối với thị trường vàng trong thời gian qua: Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng có động thái thao túng, găm hàng, đội giá.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu vàng vẫn còn phức tạp; việc quản lý có nơi lỏng lẻo, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, điều kiện thực tế và diễn biến tình hình.
“Mục tiêu quản lý tốt, hiệu quả thị trường vàng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Có chính sách khai thác nguồn lực vàng trong dân để tham gia phát triển kinh tế - xã hội và không để thao túng thị trường, không để buôn lậu vàng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu nhận định: Việc thành lập sàn giao dịch vàng sẽ tạo cơ chế vận hành minh bạch, bền vững hơn cho thị trường. Sàn vàng quốc gia chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi được xây dựng trên hệ thống quy định, cơ chế chặt chẽ, tương tự các sàn giao dịch hàng hóa, sàn chứng khoán.
“Mọi giao dịch phải được thực hiện qua hệ thống điện tử, với thông tin giá cả được cập nhật theo thời gian thực. Đơn vị tham gia sàn phải là tổ chức tín dụng, công ty kinh doanh vàng được cấp phép và người dân chỉ được giao dịch thông qua các tổ chức này. Như vậy, tính minh bạch và quản lý rủi ro sẽ được bảo đảm” – TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Cũng theo TS Hiếu, quy định hoạt động của sàn giao dịch vàng quốc gia phải đặt ra là người mua trên sàn được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ này cần có khả năng quy đổi ra vàng vật chất, không kèm theo điều kiện phức tạp, nhằm tạo niềm tin cho những người tham gia thị trường.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), thành lập sàn giao dịch vàng là cần thiết nhưng trước khi triển khai, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, trong đó quan trọng là phải có cơ sở pháp lý. Khi sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cần đề cập sàn giao dịch này.
“Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24 theo hình thức rút gọn để phù hợp với tình hình, hoàn thành trong tháng 6/2025. Sau khi có nghị định sửa đổi, với nội dung đề cập việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, sẽ là cơ hội để triển khai các bước tiếp theo.
Các đơn vị thành viên sẽ mở tài khoản, phát hành chứng chỉ vàng cho khách hàng; cho phép giao dịch theo hình thức tài khoản điện tử…” - ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận.

Giải pháp điều hành, kiểm soát
Vào cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Một số nước trên thế giới đã thành lập sàn giao dịch vàng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN, việc thành lập sàn giao dịch vàng sẽ đảm bảo các giao dịch được minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Song, để thành lập sàn giao dịch vàng thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng vì Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng.
Bên cạnh đó, việc thành lập sàn giao dịch vàng đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa NHNN với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động rồi tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở thời điểm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của nước ta.
Ngoài việc đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng, vừa qua, NHNN đã đề nghị triển các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, NHNN đã thực hiện nguồn cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp, giúp thu hẹp đáng kể mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới.
Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành chức năng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này. NHNN cũng đã chuyển thông tin về kết quả thanh tra có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định.
Trước mắt, NHNN sẽ theo sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phía NHNN đề nghị cần có sự vào cuộc các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định thị trường vàng bền vững.
Tiếp tục tuyên truyền thông tin về chủ trương, chính sách quản lý, giải pháp để ổn định tâm lý thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… nhằm đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chủ thể tham gia thị trường vàng.
“NHNN tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống chỉ còn khoảng 1% - 2%, không thể để trên 10% như vừa qua. Bên cạnh đó, có giải pháp tăng nguồn cung; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu vàng…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Thủ tướng giao NHNN, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng.
Nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; đẩy mạnh sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo thêm công ăn việc làm.
Ông Nguyễn Tu Mi - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mi Hồng (đơn vị kinh doanh vàng bạc) tại TPHCM cho rằng: Việc sớm thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia là rất cần thiết. Nếu có một “sân chơi” chính thống, được tổ chức và vận hành bài bản, giá vàng sẽ ít bị chi phối bởi tâm lý đám đông hay yếu tố đầu cơ. Người dân cũng có thêm một kênh giao dịch đáng tin cậy.