Tết Trung thu 2020 không chỉ là 2 từ “hứa hẹn”, mà đã thành sự thật khi các hoạt động văn hóa nghệ thuật từ Bắc – Trung – Nam ra sức biểu diễn, triển lãm phục vụ và đem sự yêu thương trìu mến đến các em nhỏ.
Tất cả vì tuổi thần tiên
Theo Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, tại Hà Nội BTC đã sẵn sàng cho chương trình Lễ hội Trung thu 2020 với nhiều hoạt động đặc sắc hướng đến trẻ em như: Lễ hội rước đèn, múa lân sư tử, biểu diễn và thi đấu trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ tranh Ðông Hồ.
Bên cạnh đó, lễ hội có các chương trình nghệ thuật hấp dẫn với nhiều sân chơi dành cho thiếu nhi như: Ðón Tết Trung thu, Vui rằm tháng Tám...
Một khu hội chợ Trung thu sẽ được tổ chức trong không gian trung tâm triển lãm quy tụ hơn 50 gian hàng của các ngành hàng đến từ khắp các vùng miền trên cả nước với các sản phẩm phong phú như: Hàng thời trang dệt may, các món đặc sản Trung thu, nông - lâm sản đến từ các tỉnh vùng núi Tây Bắc cùng nhiều sản phẩm làng nghề Hà Nội.
Trong không gian đón Tết Trung thu không thể thiếu khu trò chơi và đồ chơi dân gian. Đây là hoạt động tưởng cũ nhưng rất mới, vì từ trước tới nay tính chất dân gian tuy xuất hiện nhưng bị pha tạp.
Đơn vị nghệ thuật đã nghiên cứu kỹ và muốn đưa người xem trở về thế giới tuổi thơ. Đồng thời truyền tải đến các em nhỏ biết đến những trò chơi đã đi vào quên lãng như: Bịt mắt đập niêu, kéo co, rồng rắn lên mây... cũng như cách thức làm đồ chơi như: Mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn con thỏ, nặn tò he.
Ðiểm nhấn của chương trình là Ðêm hội “Rước đèn Trung thu” lung linh sắc màu với sự tham dự của gần 400 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân và các em nhỏ đến từ các quận, huyện, trường học trên địa bàn Thủ đô. Ðoàn rước sẽ khởi hành từ Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam ở phố Lê Ðại Hành đến cuối phố Bà Triệu và Ðại Cồ Việt vào tối 30/9.
Hòa chung với không khí đón Tết Trung thu, vượt qua những khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nhà hát BNF (Đà Nẵng) đã xây dựng nhiều tiết mục, chương trình đặc sắc phục vụ cho các khán giả nhí. Các em nhỏ không chỉ được tham gia vào những trò chơi thú vị, cùng chương trình ca múa nhạc hấp dẫn tuổi thần tiên.
Đặc biệt các em còn được hóa thân vào các nhân vật cổ tích, biến hóa thành nàng công chúa xinh đẹp, con vật ngộ nghĩnh dễ thương, hay chàng siêu nhân tài giỏi. Vở kịch dí dỏm, vui tươi nhưng mang nhiều ý nghĩa như: Những kẻ cắp Mặt trăng, Truyền thuyết tiểu anh hùng…
“Đánh thức” nghệ thuật sau đại dịch
Ông Phùng Văn Thuận - Giám đốc BNF cho biết, dù đơn vị gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng nhà hát đã nhanh chóng trở lại, xây dựng chương trình phục vụ Tết Trung thu cho các em. Ý nghĩa của chương trình không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn muốn góp phần “đánh thức”, cổ vũ và khởi động lại các phong trào văn hóa nghệ thuật của Đà Nẵng bị chìm lắng bởi đại dịch.
Có thể nói, hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng đến Trung thu tại Đà Nẵng rất sôi động. Tại Bảo tàng thành phố tổ chức chương trình “Rộn ràng đón trăng”, tại Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức cuộc thi sáng tác tranh dành cho trẻ em từ 6 - 14 tuổi và sẽ chấm chọn để trưng bày tại Triển lãm “Trung thu của em”.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố tổ chức chương trình múa rối – văn nghệ “Vui hội trăng rằm” trong không gian biểu diễn nghệ thuật dân gian Bài Chòi dưới chân cầu Rồng.
Cũng trong những ngày này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã hoàn thành dàn dựng và ra mắt vở kịch xiếc “Lời nguyền của bà Tiên” do NSƯT Trương Thanh Mai và Lê Thanh Tùng xây dựng kịch bản và đạo diễn, NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo nghệ thuật. Vở diễn tập hợp nhiều thể loại xiếc như đu trên không, nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, ảo thuật, xiếc hề... và nhiều tiết mục xiếc thú với thiết kế mỹ thuật sân khấu mới lạ, độc đáo.
Theo NSND Tạ Duy Ánh, vở diễn sẽ đưa các em nhỏ vào một thế giới cổ tích với những bà tiên, các hoàng tử, công chúa, vua cha, hoàng hậu và muôn loài trên Trái đất. Ðề tài vở diễn có vẻ đã quen thuộc với các em khi kể về những bà tiên cải trang đi giúp đỡ người nghèo khổ, trừng trị kẻ ác. Thông điệp cốt lõi dành cho các bạn nhỏ là sự chân thành cùng tình yêu thương mới hóa giải được những lời nguyền, mang đến hạnh phúc.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với tôn chỉ bảo tồn các giá trị truyền thống, nên chương trình đón Tết Trung thu 2020 với tinh thần gìn giữ, lan tỏa những giá trị xưa cũ cũng được khai triển.
“Người giữ lửa Trung thu” là chủ đề của chương trình nhằm tôn vinh các nghệ nhân giữ gìn và truyền dạy nghệ thuật làm đồ chơi dân gian, tạo sân chơi văn hóa gồm nhiều hoạt động như: Múa lân sư, giã cốm, làm bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả, bày mâm cỗ...
Các em nhỏ sẽ được nghe kể chuyện về Tết Trung thu, được các nghệ nhân hướng dẫn làm nhiều món đồ chơi truyền thống và tham gia hoạt động tại vườn kiến trúc với nhiều trò chơi dân gian.
Trong khi đó, tại Trung tâm Văn hóa, sáng tạo có triển lãm “Trăng ta” do nhóm dự án “Họa sắc Việt” tổ chức. Tại đây sẽ trưng bày món đồ chơi đầu sư tử phục dựng và đầu sư tử sáng tạo, các sản phẩm thiết kế ứng dụng họa tiết đầu sư tử cùng không gian giới thiệu đồ chơi dân gian, các sản phẩm nghệ thuật được sưu tầm và tái hiện bởi nhiều nghệ sĩ trẻ.