Lấp lánh bản Bắc Hoa

GD&TĐ - Những ai đã một lần đến bản Bắc Hoa đều cảm mến mảnh đất này ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên.

Những ngôi nhà đất nâu óng quần tụ trên một ngọn đồi ở Bắc Hoa. 	Ảnh: Dương Tiến Dũng.
Những ngôi nhà đất nâu óng quần tụ trên một ngọn đồi ở Bắc Hoa. Ảnh: Dương Tiến Dũng.

Ấn tượng từ tên bản, hay những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ôm vòng quanh, nét bình dị, mộc mạc đầy chất nguyên sơ của phong cảnh, vườn bãi cho đến những ngôi nhà trình tường đất đơn sơ óng màu thời gian...

Cũng khó quên điệu hát Soong hao giao duyên trong phiên chợ tình Thác Lười đậm chất của người Nùng bản địa.

Lưu luyến bản vùng cao

Cách thành phố Bắc Giang hơn 100 km, bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nằm trong rừng núi hoang vu với thác nước, hồ Cấm Sơn và cả hương lúa đồng dìu dịu tạo ra một cảnh quan đặc biệt.

Đọng lại nhiều cảm xúc nhất với tôi là được ở trong ngôi nhà trình đất rất đặc trưng, từ nhà ở, bếp, công trình phụ, tường rào, chuồng trại chăn nuôi... tất cả đều trình bằng đất. Có lẽ đây là bản làng hiếm hoi ở Bắc Giang còn giữ được rất nhiều những ngôi nhà đất lợp ngói âm dương.

Dẫu rằng cuộc sống luôn có sự vận động, phát triển nhưng theo thời gian, kiến trúc tường đất ở Bắc Hoa chưa bị mất đi nhiều và điểm đến mới mẻ này dường như vẫn là một ẩn số chờ đợi bước chân khám phá của nhiều du khách.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Ngọc Phiên: Bắc Hoa hiện nay có khoảng 160 gia đình với hơn 700 người (100% dân tộc Nùng), trong đó có gần 100 ngôi nhà trình đất nằm trên một khu đồi, trước mặt là cánh đồng ruộng bậc thang tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Nhiều ngôi nhà đất trong bản có niên đại bằng mấy đời người.

Xã Tân Sơn nằm tiếp giáp với huyện Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Vài năm trước để đến được trung tâm xã đã khó, vào được bản Bắc Hoa còn nhọc nhằn gấp bội, nhưng nay đường bê tông rộng rãi, đời sống của người dân như bừng sáng.

Theo lãnh đạo xã thì đây là hiệu quả từ sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Bắc Giang về việc hỗ trợ xi măng cho cơ sở xây dựng đường giao thông.

Đến Bắc Hoa, du khách ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên còn được xem người dân dệt khăn, áo chàm thủ công truyền thống và thưởng thức món ngon đặc sản.

Cách đây hai năm, tôi đã đến Bắc Hoa vào mùa xuân, khi ấy mảnh đất này nổi bật hơn trong sắc hoa mận, hoa mơ đang thời nở rộ. Lắng nghe tiếng tiếng sáo, tiếng hát Soong hao gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái người Nùng từ các ngả núi vang lên tha thiết. Đã tự nhủ lòng mình nhất định có ngày sẽ trở lại nơi đây, và nay đã thành hiện thực.

Tôi cũng biết tháng Ba, Bắc Hoa lại tràn ngập sắc đỏ rực rỡ từ những hàng cây gạo cổ thụ mọc bên đường, những vườn đồi cây ăn quả lúp xúp mâm xôi là thành quả bao công tưới trồng, một nắng hai sương của những người nông dân hay lam hay làm.

Mùa hè người dân thu hoạch trái cây vải thiều, cam, nhãn... khắp nơi đều là quả ngọt. Vào mùa thu không gì sánh được bởi bạt ngàn những ruộng hoa cải cúc đủ sắc màu.

Đậm đà bản sắc

May mắn hơn nếu du khách đến Bắc Hoa đúng dịp chợ phiên Tân Sơn - Thác Lười để thấy được những bản sắc dân tộc đậm đà, phong phú. Có nhiều hàng hóa tại chợ, những cụ già bán hương nở nụ cười tươi phới, cô hàng xén đon đả mời chào khách và cả những tiếng lợn con kêu eng éc...

Mỗi tháng chợ Tân Sơn họp 5 phiên, các ngày 2, 7, 12, 17, 22 âm lịch, tâm lý mọi người, nhất là lũ trẻ cứ háo hức ngóng đợi để được tíu tít theo mẹ đến chợ.

Đa phần bà con bán những sản phẩm “của nhà làm ra” như con gà, mớ rau, bó củi, quả trứng... để mua về những vật dụng thiết yếu. Đi chợ với đồng bào không chỉ để mua bán, trao đổi mà còn là cơ hội để gặp gỡ, tâm tình, khoe tài khoe sắc và nhất là hát giao duyên.

Phía góc kia, lũ trẻ con quây quần bên bếp lửa hồng rực, nồi nước dùng sôi ùng ục, bốc hơi béo ngậy. Các chảo mỡ rán bánh kêu xèo xèo trước ánh mắt thòm thèm của các cô bé, cậu bé vùng cao. Tất cả đều chứa đựng hồn quê mộc mạc, giản dị và sự chất phác thật thà mà các chợ miền xuôi ít còn lưu giữ.

Dịp Quốc khánh 2/9, trước cửa mỗi gia đình ở bản Bắc Hoa đều treo lá cờ Tổ quốc trên cây nêu cao chót vót, đó cũng là cách thể hiện tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc của người dân rẻo cao. 

Chúng tôi tá túc nhờ một đêm trong ngôi nhà đất 3 gian lợp ngói âm dương của gia đình ông Vi Văn Sắt (58 tuổi). Ngôi nhà có tuổi thọ gần 40 năm nằm chênh vênh trên sườn núi. Trước mắt tôi, từng bức tường đất đơn sơ phủ đầy rong rêu, đâu đó có vết nứt chưa được duy tu. Ngôi nhà không chỉ là tài sản của vợ chồng ông Sắt, mà còn là kỷ niệm gắn bó qua tháng năm mưa nắng.

Chẳng thế mà giờ đây ông bà đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng ngôi nhà vẫn vững chắc và là chốn đi về đầm ấm của người thân trong gia đình mỗi dịp lễ, tết.

Trời vừa tắt nắng là màn đêm ập xuống rất nhanh, bếp nhà ai bên đồi ngút lên từng cột khói. Tiếng chó sủa, lợn kêu vang vọng giữa không gian nhá nhem. Cái lạnh ngọt nhạt của mùa thu cũng bắt đầu lan tỏa, đã rất lâu rồi tôi mới lại cảm nhận được cái “mùi” của khí núi, hương rừng mà trước đây đã thoáng gặp đâu đó khi đến miền núi cao.

Tình người qua những ngôi nhà

Cũng như bao hộ dân khác trên địa bàn, gian giữa được xem là vị trí quan trọng nhất trong ngôi nhà của người Nùng và được chọn làm nơi đặt bàn thờ tổ tiên.

Tùy theo thiết kế có nhà làm buồng riêng hoặc vách ngăn nhưng thông thường ở Bắc Hoa nhà không có vách ngăn mà chỉ được phân chia bằng một tấm mành bằng vải. Kết cấu được xem là có giá trị nhất của ngôi nhà nằm ở bộ khung với các cột gỗ lim, vì kèo dựng bên trong khá vững chãi.

Đồ đạc trong nhà ông Sắt không có gì đáng kể ngoài một chiếc bàn uống nước, hai chiếc giường và chiếc tivi đã cũ. Bữa tối được bày ra trong căn nhà nhỏ thật ấm cúng, chủ nhà rót chén rượu men lá dậy mùi thơm nồng.

Vừa cạn chén, ông Sắt kể: Người Nùng trong bản sống quây quần gần nhau, nhà nọ sang nhà kia chỉ ngăn bằng một hàng cây hay rãnh nước. Cũng có một vài hộ trẻ mới ra ở riêng, họ định cư tách xa hẳn trên một quả đồi rộng phía sâu trong núi. Bà con sống đoàn kết và rất biết đùm bọc, san sẻ khó khăn lẫn nhau. 

Năm 18 tuổi chàng thanh niên Sắt xây dựng gia đình với cô gái dân tộc Nùng đẹp người đẹp nết nhất vùng đất vải. Ông xin phép bố mẹ cho ra ở riêng và tạo dựng cuộc sống mới. Rồi người đàn ông ấy cũng hăm hở tự mình đi tìm một khoảnh đất trên đồi cao cho vừa mắt để cắm đất dựng nhà.

Như nhiều dân tộc khác, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa, ngô chất đầy nhà, ông Sắt chọn được ngày đẹp và nhờ thầy cúng làm lễ động thổ xây cất nhà mới. Thời điểm làm nhà trình tường thường diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12, vì khi đó thời tiết hanh khô, ít mưa và cũng là lúc nông nhàn, mùa màng thu hoạch xong mọi người có thể dễ dàng hỗ trợ nhau.

Ở bản Bắc Hoa, hễ gia đình nào làm nhà thì anh em, họ hàng, láng giềng xúm vào giúp đỡ. Mỗi người một chân một tay, đàn ông thì đào đất, trình tường, dựng cột, lợp mái, còn phụ nữ thì lo chuyện cơm nước, dọn dẹp vòng ngoài. Việc giúp đỡ này hoàn toàn là tình nghĩa theo kiểu “chị trước em sau”, tất cả đều có đi có lại và gia chủ không cần phải trả tiền công. 

Nói về kiến trúc trình tường ông Sắt kể: Nhà trình tường có ưu điểm ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, nhưng nhược điểm là trời mưa nhiều thì ẩm thấp. Vì thế đồng bào nơi đây thường chọn nơi cao ráo để xây dựng, gian bếp được thiết kế ngay hông nhà để giảm bớt độ ẩm khi thời tiết mưa nhiều.

Làm nhà tường đất cũng không quá cầu kỳ, tốn kém, nhà nào khá giả thì dựng thêm bộ khung gỗ tốt bằng gỗ lim, gỗ táu còn không thì dùng gỗ tạp cũng có thể bền vững.

Vật liệu làm nhà có tại chỗ, chỉ cần đào những chỗ đất thịt có pha chút sỏi cơm cho thêm ít nước tạo ẩm để tạo độ kết dính cao. Đồng bào đổ đất vào khuôn gỗ rồi sử dụng chày gỗ nèn thật chặt sao cho nhựa đất kết chặt vào nhau, tháo khuôn ra sẽ tạo thành bức tường khỏe và chắc chắn.

Thường thì tường nhà dày khoảng 40cm, cũng có nhà dày 50cm, cao 2 - 3m. Mỗi ngôi nhà có từ 2 đến 4 ô cửa nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Thời gian để hoàn thành mỗi công trình kéo dài từ 2 - 3 tháng với sự góp sức tích cực của cả cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Chu Văn Then: Mấy năm gần đây, đời sống người dân bản địa khấm khá hơn nhiều, để cải thiện cuộc sống, nơi ở một số hộ cũng đã cải tạo, xây mới nhà ở và nếu không có giải pháp bảo tồn có lẽ chẳng bao lâu những ngôi nhà đất một thời gắn bó với người Nùng sẽ chỉ còn trong hoài niệm.

Cũng theo ông Then: Nhiều đoàn khách du lịch tự phát từ vài người đến vài chục người đã đến khám phá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên tại Bắc Hoa. Đồng thời ngành chức năng và các công ty lữ hành đã được tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá, xây dựng tuyến du lịch nhằm đưa du khách đến Bắc Hoa, tất nhiên để thành công còn nhiều điều phải bàn.

Chính quyền xã Tân Sơn cũng đã vận động đồng bào ở Bắc Hoa trồng thêm đào, mận để tạo cảnh quan trên các khu đồi và ven đường; trồng thí đểm cải cúc trên diện tích khoảng 2ha nhằm tô điểm thêm cho cảnh đẹp ở Tân Sơn.

Hy vọng một ngày không xa Bắc Hoa sẽ có tên trong bản đồ dịch của Việt Nam, nhất là du lịch cộng đồng, sinh thái. Và chắc chắn một điều, tiềm năng, thế mạnh du lịch ở Bắc Hoa là rất lớn, bởi Tân Sơn không chỉ có Bắc Hoa mà có hồ Cấm Sơn đang chờ đánh thức và khơi dậy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ