“Lão tướng” bám biển Hoàng Sa

GD&TĐ - Tưởng “mất nghề” đi biển ở tuổi 50 khi đành phải bỏ con tàu mắc cạn ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), “lão tướng” Nguyễn Đình Bê lại gượng dậy đóng con tàu khác rồi lại trực chỉ ngư trường truyền thống để đánh bắt.

Con tàu “khủng” ĐNA91279 của ông Nguyễn Đình Bê thường xuyên bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt.
Con tàu “khủng” ĐNA91279 của ông Nguyễn Đình Bê thường xuyên bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt.

“Ông chủ” của những chiếc tàu lớn

Phải hẹn đến lần thứ 5 chúng tôi có dịp được gặp lão ngư Nguyễn Đình Bê (SN 1967, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Sở dĩ, khó gặp vì ông cùng đội tàu của mình bận đi đánh bắt ở Hoàng Sa.

Vừa thu dọn đồ đạc sau chuyến đi biển gần nửa tháng, ông Bê tâm sự: “Nghiệp đi biển của tôi cũng thăng trầm lắm. Từ tay trắng gầy dựng nên đội tàu 4 - 5 chiếc, rồi tinh gọn thành đội chỉ còn 3 tàu lớn theo luồng cá khắp ngư trường Hoàng Sa.

Mất tàu trị giá hơn 3 tỷ đồng. Đóng lại con tàu mới tôi tiếp tục đi biển, không biết còn chuyện chi nữa không. Nhưng dù sao đi nữa, tôi chắc chắn một điều là không bao giờ bỏ biển của cha ông để lại”.

Đứng trên con tàu số hiệu ĐNa 91279 (công suất 850 CV) với lớp sơn xanh “mới cóng”, ông Bê cho hay, đây là 1 trong 3 con tàu của ông thường xuyên bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt.

Ông Bê kể, ông quê ở Đức Phổ (Quảng Ngãi), sinh ra và lớn lên với biển, ngay từ nhỏ, ông đã theo chân ngư dân trong làng đi đánh bắt quanh bờ. Sau đó, ông cùng anh em trong nhà ra Đà Nẵng để xin đi bạn trên các tàu cá lớn. “Năm 14 tuổi, nghề đầu tiên đưa tôi đến với nghiệp đi biển Hoàng Sa là đầu bếp trên tàu cá”, ông Bê nhớ lại.

Hàng chục năm theo nghề biển, ông Bê không nhớ mình đã bao nhiêu lần đi bạn (lao động làm công cho các tàu cá – PV). Ông cũng ước mơ rằng, muốn có một con tàu lớn để cùng bám biển, bám ngư trường như mọi người.

Có được số vốn ít ỏi sau thời gian dài đi biển, ông Bê cùng anh em trong nhà bắt đầu góp tiền để đóng tàu vươn khơi, thực hiện ước mơ dang dở của mình. Có tàu, có ngư lưới cụ, ông Bê cùng với anh em bắt đầu hành trình chinh phục biển.

Những chuyến đi biển của ông Bê bắt đầu thu được thành quả vì tàu liên tục được những mẻ cá lớn. Có thu nhập, ông xin ra làm riêng và bắt đầu đóng con tàu do mình làm chủ.

“Đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa vô cùng thích thú, cứ ra khơi là cá đầy khoang. Nhờ thế tôi nhanh chóng sở hữu đến 4 con tàu. Dù nhiều tàu là vậy nhưng vì cỡ nhỏ nên không thể bám ngư trường dài ngày được. Tôi bắt đầu “cải tổ” thay bằng những con tàu lớn hơn”, ông Bê nói.

Sau đó, ông Bê đóng mới 3 tàu cá gồm: ĐNa 90929 (444CV), ĐNa 90989 (700 CV) và ĐNa 90979 (800CV) để hành nghề lưới vây và lưới cản. Mỗi lần ra khơi, ông Bê điều khiển con ĐNa 90929, còn các con tàu còn lại do những người cháu của ông điều khiển. 3 chiếc tàu, cùng hàng chục ngư dân, tạo thành một điểm tựa vững chắc, hỗ trợ nhau đánh bắt trên biển.

Thế nhưng, niềm vui chưa dứt thì nỗi buồn đã ập tới. Năm 2019, con tàu ĐNa 90929 của ông đã bị mắc cạn và nằm lại ở đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Năm 2019, tàu ĐNa 90929 bất ngờ đụng phải đá ngầm rồi mắc cạn trên bãi đá gần đảo Bạch Quy. Lúc bấy giờ, sóng lớn, tàu bị đánh sâu vào bãi đá, nước tràn khoang và có nguy cơ bị chìm. Các tàu cá lân cận đã đến ứng cứu 8 thuyền viên trên tàu. Riêng tôi vẫn còn bám trụ vì đây là con tàu đầu tiên của tôi, toàn bộ gia sản của tôi đều ở đây”, ông Bê nhớ lại.

Thế nhưng, khi các ngư dân rời khỏi tàu thì 2 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc kéo đến hụ còi đe dọa, ngăn không cho các ngư dân cứu tàu. Dù các tàu cá của ngư dân Việt Nam chạy quanh bãi đá với quyết tâm kéo con tàu khỏi mắc cạn nhưng các tàu Trung Quốc ra sức ngăn cản.

Sau nhiều ngày bám trụ, cùng với việc thuê các tàu cá khác cố gắng vớt tàu và lai dắt vào bờ, nhưng “lực bất tòng tâm”, ông Bê đành bấm bụng mất đi con tàu mà ông đã dành dụm cả tuổi thanh xuân để có được.

Quyết không để mất tất cả, năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng, ông Bê vay mượn bà con để đóng con tàu ĐNa 91279. Khó khăn bủa vây, quyết không đầu hàng số phận, ông Bê cùng các cháu của mình cố gắng vươn khơi bám biển, để rồi từ đó xây dựng lại đội “tàu khủng”, sẵn sàng quay lại vùng biển thân yêu của Tổ quốc. 

“Thầy” của những ngư dân bản lĩnh

Ngư dân Nguyễn Đình Bê cùng giấy khen về thành tích tốt trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.
Ngư dân Nguyễn Đình Bê cùng giấy khen về thành tích tốt trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Tấm gương về bám biển Hoàng Sa

Đại úy Dương Hữu Hưng - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Sơn Trà cho hay, ngư dân Nguyễn Đình Bê là người bám biển, ngư trường truyền thống Hoàng Sa rất tốt. Ông Bê cũng là người đóng góp nhiều thông tin giá trị trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cụ thể, năm 2020, ông được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tặng Giấy khen vì thành tích tốt trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Có tàu mới vừa to vừa khỏe, ông Bê cùng 2 người cháu của mình có mặt ở Hoàng Sa vừa đánh bắt, vừa khẳng định chủ quyền vùng biển. Và trong những lần đánh bắt, tàu của ông Bê cùng các người cháu của mình không ít lần chạm trán và gặp phải sự truy cản ngang ngược của tàu Trung Quốc.

“Tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc xua đuổi chúng tôi nhiều lần lắm. Nhưng vùng biển của mình thì mình đánh bắt. Không cớ gì chúng tôi sợ cả”, ông Bê khẳng định.

Cũng giống như ông Bê, ngoài say mê đánh bắt hải sản, 2 người cháu của ông là Nguyễn Đình Tiên (thuyền trưởng tàu ĐNa 90979) và Nguyễn Đăng Thức (truyền trưởng tàu ĐNa 90989) còn thường xuyên báo tin tình hình vùng biển, về những tàu vi phạm chủ quyền để lực lượng chức năng nắm bắt.

Điều khiến ông Bê vui mừng là 2 người cháu của mình từ chỗ là thuyền viên đã trở thành những thuyền trưởng gan lì, lèo lái con tàu đi qua nhiều tình huống nguy cấp trên biển.

“Tôi thật sự yên tâm khi giao cho 2 cháu 2 con tàu lớn. Hơn 10 năm trước, 2 người cháu của tôi là những người đi biển. Cả 2 nhanh nhẹn, tháo vát và mê nghiệp đi biển nên sớm trở thành những ngư dân can trường, dày dạn kinh nghiệm đánh bắt. Chúng không khác gì đứa học trò của tôi”, ông Bê trải lòng.

Hơn nửa đời người sống bằng nghề biển, ông Bê cho rằng, nhiều ngư dân như ông và cả những thế hệ trẻ, họ luôn có khao khát chinh phục ngư trường, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, nhất là vùng biển ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ