Lao động và sự cống hiến

GD&TĐ - Tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma, trong một cuộc họp nội bộ, đã nói: “Không làm được 12 giờ/ngày, đừng nghĩ đến chuyện gia nhập Alibaba”. Ông nói thẳng, ông không cần những người làm việc theo phong cách văn phòng 8 giờ/ngày! Không hiếm người quan niệm rằng, được làm việc trong một tập đoàn khổng lồ của ông chủ khối tài sản 39 tỷ đô la này là một mơ ước của họ, song khi nghe câu “làm việc 12 giờ/ngày”, liệu họ có đắn đo không?

Lao động và sự cống hiến

Có lẽ cũng nên hiểu câu nói trên kia của vị tỷ phú người Trung Quốc rằng, lao động phải được xem như một niềm say mê và là sự cống hiến cho xã hội chứ không chỉ là để cho tài sản của Alibaba mỗi ngày một tăng thêm. Triết lý về lao động và sự cống hiến mỗi nơi một khác nhưng có lẽ mẫu số chung của nó là phải làm việc tận lực và tận tâm khi còn có thể.

Ở Nhật Bản, thi thoảng có những chuyến tàu điện ngầm chạy “không đúng giờ” - điều hiếm thấy ở đất nước này. Một sinh viên người Việt Nam giải thích với tôi rằng, chắc là vừa có vụ “nhảy tàu” đấy. “Nhảy tàu” là tiếng lóng mà sinh viên người Việt hay dùng để chỉ những vụ tự tử của người Nhật khi lao đầu vào đoàn tàu đang chạy. Cách chọn cho mình cái chết như thế thật quá ghê sợ, song bị stress do phải lao động quá sức thì còn “ghê sợ” hơn.

Lao động với người Nhật như một quán tính, một nhu cầu tự thân chứ không còn là để kiếm tiền nữa. Họ làm quên ngày tháng, đến mức ông Thủ tướng phải đưa ra mức thưởng cho những nhà máy nào cho công nhân nghỉ chiều thứ 6! Lái taxi hay các tài xế xe buýt, đa số là người già, trên 60 tuổi. Số này đã có lương hưu, hẳn không phải họ lao động để kiếm thêm thu nhập(?). Thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng khủng, được sống trong một đất nước văn minh nhất nhì thế giới, chế độ bảo hiểm cho người già, người về hưu chẳng thua nước nào, ấy thế mà người Nhật vẫn miệt mài làm việc. Vậy ai bảo được làm việc ở Nhật là sướng nào?

Tôi từng có dịp qua Lào, ghé Savanakhet - tỉnh lớn thứ hai sau Vientiane lúc 5 giờ chiều với chiếc xe máy xẹp lốp. Đi qua rất nhiều con phố, thấy bảng hiệu “vá xe” đấy, song tất cả đều đóng cửa, trong khi các hàng quán thì la liệt người ăn nhậu nói cười tươi vui. Một người bạn sống nhiều năm ở đây nói rằng, phải đợi đến … 9 giờ sáng mai thì cửa tiệm mới mở! Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, Lào là nước “nghèo hơn mình”. Ấy thế mà 5 giờ chiều vẫn đóng cửa… đi nhậu chứ không thèm vá xe. Thế nhưng, chẳng ai dám nghĩ, người Lào nghèo khổ cả.

Còn người Việt thì sao? Lâu lâu về quê, gặp ông bác, bà cô thường rỉ tai thằng cháu là tôi để gửi gắm câu này: “Cháu có quen biết chỗ nào thì tìm cho em/cháu nó một chỗ làm. Chú ý là lương khá khá nhé cháu”. Hỏi em/cháu ấy học trường nào, thì nghe trả lời là… thi trượt đại học và lêu lổng mấy năm nay. Trường hợp trên đây không phải là phổ biến nhưng cũng không cá biệt. “Việc nhẹ nhàng nhưng lương cao” là điều mà rất nhiều người Việt “mơ ước”.

Quy định viên chức và người lao động ngày làm 8 tiếng nhưng buổi sáng, quán cà phê nào cũng đầy người, trong đó không ít người đang hưởng lương Nhà nước. Thống kê hồi năm 2018 cho biết, năng suất lao động người Việt được xếp vào loại thấp nhất ở Đông Nam Á thì cũng không có gì lạ. Nhưng như thế thì vẫn hơn khối người ngồi một chỗ chỉ biết chê bai và “chém gió” trên Facebook

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ