Lao động “ồ ạt” về quê, doanh nghiệp thêm nỗi lo mới

GD&TĐ - Tại các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa sản xuất. Đặc biệt, lao động ồ ạt về quê khiến nhiều cơ sở chồng chất nỗi lo.

Doanh nghiệp lo lắng khi lao động về quê ồ ạt. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp lo lắng khi lao động về quê ồ ạt. Ảnh minh họa

Khó khăn chồng chất

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), việc di chuyển của lao động khiến doanh nghiệp gặp nguy cơ thiếu hụt nhân lực với số lượng lớn trong và sau dịch. Đặc biệt là doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử….

Cục Việc làm cho biết, tác động của 2 đợt dịch Covid-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động vô cùng lớn. Đặc biệt trong tháng 7, thị trường lao động phía Nam vốn sôi động nhưng gần như “tê liệt”.

Trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thị trường lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc lao động về quê sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động và doanh nghiệp.

Nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch để đưa lao động về quê. Tuy nhiên, do yêu cầu về y tế, mới đưa được hơn 50 nghìn người. Trong đó ưu tiên những người yếu thế, người già trẻ em, phụ nữ mang thai.

Với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ mắc bệnh nên nhiều lao động về quê tự phát bằng các phương tiện cá nhân. Họ không đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế…

Luồng di chuyển lao động chủ yếu hiện nay là từ các thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Thời điểm này, doanh nghiệp không chỉ lo phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho công nhân, sản xuất kinh doanh, mà còn tìm mọi cách “níu chân” lao động.

Theo thống kê nhanh của Sở LĐ-TB&XH ở một số địa phương, nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao. Hiện, có hơn 50 nghìn người đăng ký với chính quyền địa phương. Điều này đã khiến doanh nghiệp tăng thêm nỗi lo mới. Họ có thể mất nhiều đơn hàng, khó duy trì sản xuất và thậm chí là vực dậy sau dịch.

Hiện, các doanh nghiệp ngành cơ khí điện cũng trong tình trạng thiếu hụt lao động. Ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí An Bình, chia sẻ: “Rất nhiều doanh nghiệp đang phải thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, dù thực hiện “3 tại chỗ” nhưng hầu hết đều không đủ công nhân. Nhiều cơ sở sản xuất trong điều kiện chỉ có được 20 - 30% lao động để đáp ứng những đơn hàng quan trọng. Chưa kể đến những cơ sở nếu xuất hiện F0 thì khó khăn càng chồng chất”.

Ông Lộc cũng cho biết thêm, ở những khu vực bị cách ly, phong tỏa, công nhân không đi làm được càng thiếu hụt lao động. Một số ngành hiện có đơn hàng rất tốt, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến đầu năm sau. Thế nhưng, nếu không đủ lao động, đơn hàng có thể phải hủy bỏ.

Theo ông Lộc, trước mắt, các cơ sở phải lo cho sự an toàn của người lao động. Đồng thời, phải tính toán lại mặt hàng sản xuất, ưu tiên giải quyết những đơn hàng quan trọng.

Ông Trần Như Thế - Giám đốc Công ty Sản xuất giầy da cho biết, công ty đang làm mọi cách để giữ công nhân. Theo ông Thế, nếu để họ về quê trong điều kiện khó khăn này sẽ khiến họ có tâm lý chán nản. Như vậy, khi nhà máy hoạt động trở lại sẽ thiếu hụt trầm trọng nhân lực.Vì vậy, một số doanh nghiệp chấp nhận lỗ để lo cho họ chỗ ăn, ở và tăng chính sách đãi ngộ để níu giữ lao động.

“Phải giữ được người lao động đã qua đào tạo nhiều năm. Họ là nhân lực chính để duy trì sản xuất. Nếu không, có thể 1, 2 tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì doanh nghiệp không có công nhân để sản xuất” – ông Thế nói.

Giải pháp ổn định lao động

Theo ông Nguyễn Như Huy – Giám đốc Công ty May mặc Huy Thanh cho biết, khi địa phương bắt đầu giãn cách xã hội và thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho khách cũng như duy trì sản xuất.

Cũng theo ông Huy, một lo lắng khác của doanh nghiệp là lực lượng lao động ở TPHCM về quê rất nhiều trong thời gian vừa qua. Khả năng sau khi dịch được kiểm soát, người lao động cũng chưa thực sự muốn quay trở lại thành phố. Tâm lý nhiều người sẽ chờ cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trên cả nước. Thậm chí, theo tính toán, họ có thể ở lại qua Tết.

Trước thực trạng kể trên, Cục Việc làm đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, chú trọng ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động tuyến đầu.

Đó là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… Việc này để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Các giải pháp cũng đề cập đến việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương. Đồng thời là đối tượng ngừng việc, chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, cần có hỗ trợ đào tạo lại duy trì việc làm cho người lao động.

Cục Việc làm cũng đề xuất có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… Hỗ trợ lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…

Cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do. Điều này để lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch cũng như sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo Cục Việc làm, địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp với các đơn vị. Cần chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc. Bởi việc lao động về quê ồ ạt dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ