Nhưng ở chiều ngược lại, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp, tinh vi, gần như công khai và gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã khiến tình hình sản xuất đường trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quý I/2018...
Tồn kho tăng cao
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ mới đây, đại diện VSSA cho biết bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017 chưa tiêu thụ hết, thì niên vụ mới 2017 - 2018 đã khiến lượng đường tồn trong kho cách đây 1 tháng chỉ mới ở mức 200.000 tấn đã nhanh chóng tăng vọt lên 530.000 tấn. Giá đường liên tục sụt giảm cả trên thế giới và trong nước khiến việc tiêu thụ đường càng khó khăn.
Cụ thể, quý I, giá đường liên tục hạ, giá bán buôn giảm hơn 300 đồng/kg so với tháng 2, lượng đường trên thị trường đang tồn kho khoảng 530.000 tấn. Dù đã có chính sách hỗ trợ giá mía để người nông dân không bị thua thiệt nhưng do sản xuất khó khăn, nhiều nhà máy phải nghỉ hàng tuần đã phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía của nông dân.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân ngành đường gặp nhiều bất lợi là do thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Ngoài ra, thị trường nội địa đang bị ảnh hưởng bởi đường Thái Lan - quốc gia sản xuất lớn thứ 4 và xuất khẩu thứ 2 thế giới. Do lượng đường Thái Lan dư thừa nên một lượng lớn đường đã nhập lậu sang các quốc gia lân cận như: Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc và đặc biệt là Việt Nam…
Buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua Cục đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với công an, biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc về nhập lậu đường. Tuy nhiên, tình trạng đường nhập lậu hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các địa phương như: Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Quảng Trị…
Hiện tại một số cửa khẩu, các đối tượng luôn tìm mọi phương cách tinh vi để nhập lậu và vận chuyển đường vào thị trường nội địa.
Các đối tượng này luôn thay đổi phương thức vận chuyển đó là tập kết hàng ở phía bên kia biên giới và tận dụng lúc lực lượng chức năng nghỉ, thuê người canh chừng và vận chuyển đường vào nội địa, hoặc vận chuyển đường thô từ nước ngoài về trong nước mới bắt đầu nấu thành đường thành phẩm.
Tinh vi hơn, hiện các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn là sang bao, khiến cho các lực lượng chức năng không thể kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ...
Trước thực trạng buôn lậu ngày một diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng đề xuất cần phải sửa luật. Bởi theo luật pháp hiện hành, đường nhập lậu sau khi bị tịch thu sẽ được bán đấu giá.
Tuy nhiên, sau khi bán đấu giá, nhiều đối tượng đã sử dụng lại bộ hồ sơ đó để lách luật, rồi tiếp tục tuồn đường lậu vào nước ta. Do đó cần sửa luật lại theo hướng bán chỉ định đến các nhà máy thay vì đấu giá như hiện nay.
Mặt khác, để chống hợp thức hoá đường nhập lậu, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn biên giới chuyển đổi ngành nghề, không tham gia buôn lậu.
Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần phải chú trọng quản lý tốt hơn bao bì sản phẩm của mình, tránh tình trạng các đối tượng sử dụng lại chính các bao bì đó để sang bao đường nhập lậu, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.