Lao đao trường nghề…

Lao đao trường nghề…

(GD&TĐ)  - Ở ĐBSCL hiện nay nguồn lao động đang ở mức dồi dào, dân số đang ở “sức trẻ” tuy nhiên phải đối mặt với thực tế là tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn rất thấp. Dù các địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… nhưng đến nay nhiều nơi trường nghề vẫn chưa phát huy hiệu quả.

 
 

BỨC TRANH SÁNG – TỐI!

Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo. Hiện số cơ sở dạy nghề ở ĐBSCL chiếm khoảng 14,6% tổng số cả nước, tuy nhiên tỷ lệ HS theo học nghề vẫn còn thấp và nhiều HS cũng như phụ huynh còn chưa mặn mà với con đường học nghề. Theo kế hoạch, năm 2013, các tỉnh ĐBSCL phấn đấu tạo việc làm cho 400.000 lao động, nhiều hơn năm 2012 khoảng 100.000 người.

Thế nhưng, trong thực tế việc đào tạo nghề ở ĐBSCL hiện nay đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong khi một số trường nghề dù mới thành lập, cơ sở vật chất bình thường nhưng nhiều HS vẫn đăng ký vào học, nhà trường hầu như không phải bận tâm chuyện chỉ tiêu thì ngược lại có không ít trường dù đầu tư hàng tỉ đồng, cơ sở vật chất bề thế, khang trang mà tìm mãi không ra người học.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp (TC) nghề Vĩnh Long cho biết: Các năm gần đây tình hình tuyển sinh của trường khá ổn định. Trường mỗi năm được giao khoảng 500 chỉ tiêu, đều đạt và vượt. Đó là do trường tập trung đào tạo các nghề có thế mạnh như: Điện, Điện lạnh, Điện công nghiệp… Những ngành nghề này được xem là chủ lực, “hot”.

Bên cạnh những trường nghề đang “sống được” lại có những trường nghề đang lao đao vì không có người học. Như trường TC nghề tỉnh Bạc Liêu được đầu tư hàng chục tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay chỉ mới đào tạo một ngành Thiết kế đồ họa với khoảng 60 học viên. Ban đầu trường còn có các ngành: Xây dựng, Chế biến thủy sản… nhưng số lượng học viên ít, loay hoay mãi không tìm ra người học.

Thực tế cơ cấu ngành nghề ở bậc đào tạo TC đang có dấu hiệu mất cân đối. Một số ngành “hot” thuộc khối ngành Y - Dược đang chiếm lĩnh như: y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đa khoa… Bên cạnh đó, một số ngành khác như tài chính ngân hàng, kế toán doanh nghiệp, quản trị hệ thống mạng máy tính… cũng đang hút rất nhiều HS.

Trong khi các khối ngành kỹ thuật rất cần cho sự phát triển ở ĐBSCL như cơ khí, điện, điện tử, hàn, tiện và các ngành thủy sản, thú y, phát triển nông thôn… vẫn không có sức hút HS.

Trước tình hình này, nhiều người đang tỏ ra lo lắng rằng liệu “cơn sốt Y - Dược” như hiện tại sẽ kéo dài cho đến khi nào và nguồn nhân lực trung cấp Y – Dược này sẽ đi đâu, về đâu trong vài năm nữa?

LÀM GÌ ĐỂ TỰ CỨU?

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường TC nghề Vĩnh Long, thực trạng một số trường nghề không tuyển được HS trước hết là do công tác phân luồng HS ở địa phương chưa tốt và HS chưa có động lực đến với trường nghề cũng như chưa thấy hết sự thiết thực khi học nghề.

Thứ hai là môi trường lao động và cơ cấu việc làm ở địa phương không kích thích người dân học nghề (chẳng hạn như địa phương chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy lớn…).

Vấn đề nữa là ý thức của người dân, đặc biệt là ý thức phụ huynh. Quan niệm thành tài, đỗ đạt là phải vào ĐH, CĐ đã khiến nhiều phụ huynh có con em học trung bình, thậm chí trung bình yếu vẫn không chấp nhận vào học TC nghề.

ĐÀO TẠO THEO "ĐẶT HÀNG"

Ngoài ra, tại TP. Cần Thơ hiện nay có khoảng 5 trường TC Y - Dược nhưng có không ít trường CĐ, ĐH cũng đang “vươn tay” đào tạo bậc trung cấp Y - Dược. Dù số trường loại này mọc lên khá nhanh và nhiều nhưng số lượng HS vào học không hề ít. Có trường đang tính đến phương án đào tạo luôn cả ban đêm để đáp ứng nhu cầu người học. Vấn đề đặt ra là, nhờ “thương hiệu” ĐH, các trường trên đã hút hầu hết thí sinh làm cho các trường nghề phải lao đao.

Ông Trần Anh Tuấn nói: “Nếu để trường ĐH đào tạo TCCN thì hệ quả trước mắt là sẽ hút hết thí sinh. Trong khi đó trường ĐH đào tạo TC sẽ không có chất lượng bằng trường nghề. Vì trường ĐH ít chú trọng đến thiết bị dạy nghề; lý thuyết nhiều mà thực hành ít. Muốn đào tạo TC nghề giỏi thì chương trình thực hành nghề quyết định kỹ năng nghề. Các trường ĐH nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo thiết bị cho hệ TC nghề”.

Cũng tại TP. Cần Thơ gần đây có nhiều trường TC được thành lập. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh, các trường TC này vẫn “sống được” vì đào tạo chủ lực những ngành nghề “hot”, có nhiều thí sinh cần học, như các ngành Y – Dược.

Ví dụ trường TC Miền Tây, năm 2013 tuyển ngót khoảng 2000 HS cho các ngành y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đa khoa, tài chính ngân hàng, kế toán doanh nghiệp, quản trị hệ thống mạng máy tính…Theo thông tin, trường sẽ mở rộng qui mô và đa dạng hóa loại hình đào tạo, HS có thể học cả ngày, học buổi tối hoặc những ngày nghỉ cuối tuần.

Theo ông Đặng Tiến Út, GĐ Sở LĐ-TBXH tỉnh Bạc Liêu, hiện nay việc tuyển sinh vào trường TC nghề Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là ở Bạc Liêu có nhiều trường CĐ, TC nên lượng người đăng ký học tản mát, dàn trải. Trong khi đó, trường TC nghề Bạc Liêu mới thành lập, chưa khẳng định được thương hiệu…

Song chuyện đáng quan tâm là vấn đề việc làm sau khi học nghề. Cụ thể, HS học trường nghề ra, đi xin việc làm còn gặp khó khăn. Chưa kể, nhìn chung, dù có việc làm mà lương thấp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý học nghề của các em.

Trước mắt, nhà nước cùng các cấp, các ngành làm sao để người học nghề ra trường có việc làm và thu nhập ổn định, có cơ hội phát triển nghề nghiệp là một trong những vấn đề được các trường nghề đang mong đợi.

Thứ hai, với tự thân các trường, cần chủ động tạo mối quan hệ gắn bó với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần gì sẽ liên hệ với nhà trường để đặt hàng và nhà trường có nhiệm vụ đào tạo theo đơn đặt hàng đó. Hai phía cần có nguồn thông tin thường xuyên, liên tục để bám sát nhu cầu thực tế về ngành nghề, việc làm, nhân lực…

Sau cùng chính là chất lượng của “sản phẩm”, tức trước hết nhà trường phải nâng chất đội ngũ GV, chương trình đào tạo cũng như nâng cấp, hoàn thiện thiết bị dạy nghề để người học nghề ra trường có tay nghề vững vàng, tự tin. Đây là một điều rất quan trọng vì học viên ra trường nếu làm được việc, được thăng tiến tay nghề thì sẽ có tác động đến các thế hệ tiếp theo hăng hái vào học TC nghề.

Thực trạng trường nghề không tuyển được HS như hiện nay trước hết do công tác phân luồng HS ở địa phương chưa tốt và HS chưa có động lực đến với trường nghề, chưa thấy hết sự thiết thực khi học nghề. Thứ hai là môi trường lao động và cơ cấu việc làm ở địa phương chưa đáp ứng, kích thích nhu cầu học nghề (chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy lớn…). Vấn đề nữa là ý thức của người dân. Quan niệm thành tài, đỗ đạt là phải vào ĐH, CĐ đã khiến nhiều phụ huynh có con em dù học lực chỉ đạt trung bình, thậm chí yếu, vẫn không chấp nhận học TC nghề.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường TC nghề Vĩnh Long

 Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.