Ngày 7/2/2020 Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản số 127/SGD&ĐT - GDTrH để triển khai các giải pháp học trực tuyến cho học sinh. Đặc biệt, Sở đã ban hành văn bản số 176/SGD&ĐT-GDTrH ngày 17/2/2020 về việc tăng cường dạy học trực tuyến ôn tập cho học sinh trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch Covid-2019.
PV: Là một địa phương miền núi, khi triển khai hoạt động dạy học trực tuyến, Lào Cai có những điều gì thuận lợi, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Ninh: Để phòng, chống dịch Covid-19 thì từ đầu tháng 2, khi học sinh quay trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ Tết, Sở GD&ĐT Lào Cai đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các đơn vị triển khai dạy học trực tuyến. Chúng tôi đã thành lập chuyên trang trên cổng thông tin ngành về hướng dẫn dạy trực tuyến.
Các nhà trường đã chủ động, kịp thời tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về dạy học trực tuyến cho giáo viên. Ví dụ, bằng cách chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy từ xa với các phần mềm hỗ trợ đa dạng và hữu ích, phù hợp với đặc điểm từng môn học. Từ đó, khuyến khích giáo viên phát huy tối đa tính hiệu quả của hình thức dạy học này trong bối cảnh học sinh không tới trường để phòng dịch bệnh Covid-19.
Đây cũng là giải pháp để đội ngũ giáo viên bên cạnh việc dạy học truyền thống còn thích ứng song hành với dạy học từ xa của trường học thông minh, tiếp cận cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
PV: Quá trình dạy học online vừa qua, thầy và trò ở Lào Cai thường gặp những trở ngại gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Ninh: Lào Cai là tỉnh miền núi còn nghèo nên quá trình dạy học theo phương pháp này gặp không ít khó khăn. Phần lớn học sinh vùng cao điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, không đảm bảo 100% các em có được thiết bị như smartphone, máy tính kết nối mạng. Việc đánh giá kết quả học tập sẽ còn nhiều hạn chế do việc học trực tuyến sẽ làm giảm sự tương tác giữa thầy và trò, đặc biệt là việc dạy qua truyền hình chỉ có sự truyền thụ kiến thức một chiều, giáo viên không thấy được khó khăn mà học sinh gặp phải khi học một đơn vị kiến thúc mới nào đó.
Hơn nữa, hiện đang vào mùa làm nương rẫy nên một số học sinh còn tranh thủ đi làm phụ giúp gia đình, chưa dành nhiều thời gian cho việc học. Một số giáo viên còn hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa sử dụng thành thạo các phần mềm dẫn đến việc thực hiện bài giảng còn gặp khó khăn, cần hỗ trợ từ đồng nghiệp.
Học sinh tiểu học, cần cha mẹ hỗ trợ ở từng tiết giảng. Ở tuổi này các em còn quá nhỏ để tiếp cận, làm chủ công nghệ. Do đó, các giáo viên rất cần sự hợp tác của phụ huynh để chỉnh đốn, kèm cặp từng nét chữ, cách ngồi, rèn nề nếp học tập…vv.
Giờ học trực tuyến của học sinh Lào Cai |
PV: Ông vui lòng cho biết chương trình dạy và học online hiện nay ở địa phương triển khai cụ thể như thế nào ?
Ông Nguyễn Anh Ninh: Hiện tất cả học sinh lớp 9, lớp 12 học qua Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai. Với học sinh lớp 9 gồm 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, vào khung giờ 9h15 các ngày từ thứ 2 - thứ 7. Lớp 12 dạy học gồm 9 môn: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và GDCD vào các khung giờ: 14h30, 15h15 và 16h các ngày từ thứ 2 - thứ 7.
Học sinh các lớp 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 được học trực tuyến các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh qua cổng thông tin của phòng GD&ĐT TP Lào (http://pgdlaocai.edu.vn), qua cổng thông tin của phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng (http://pgdbaothang.edu.vn/).
Học sinh được học tập trực tuyến, nghiệm thu, đánh giá kết quả qua các hệ thống học Elearning (viettelstudy, VNPT Elearning, Shub Classroom, VioEdu,...); phần mềm Zoom meeting, MS Teams và qua các ứng dụng CNTT (nhóm lớp Zalo, facebook, youtube, Khoot!, Quizizz ...).
Có thể thấy tuy mới thực hiện được hơn một tháng, nhưng Lào Cai có nhiều đơn vị triển khai rất tốt quá trình dạy học trực tuyến cho học sinh. Tiêu biểu như Phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng và các trường THPT (số 1 TP Lào Cai, Chuyên, số 2 Bảo Thắng, số 1 Bắc Hà, số 1 Bảo Yên...). Học sinh rất hứng thú với những bài học, chuyên đề ôn tập qua các video do giáo viên biên soạn, quay phim đưa lên youtu.be.
PV: Xin cảm ơn ông !