Như việc “bất nhất” trong quyết định liên quan đến việc dừng hoạt động rồi cho hoạt động trở lại của hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc; thu hồi đất cho doanh nghiệp thuê để xây dựng trung tâm tim mạch; điều chỉnh quy hoạch dự án du lịch sinh thái Nam Ô, nước thải chảy thẳng ra biển… đã được Chủ tịch UBND và đại diện các cơ quan ban ngành có liên quan giải đáp cụ thể.
Giảm thiểu thiệt hại cho cả ngân sách và doanh nghiệp
Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định, đúng là trước đây, thường vụ Thành ủy đã có chủ trương sẽ di dời dân ở khu vực hai nhà máy Dana Úc và Dana Ý.
“Với phương án này thì trách nhiệm của hai nhà máy là sẽ ứng trước tiền đền bù và sau đó bán đất ở khu vực đã được giải tỏa, tiền thu về được nếu không đủ thì chủ hai nhà máy sẽ bù vào còn nếu dư thì thành phố sẽ trả lại.
Tuy nhiên, phương án này vướng nhiều vấn đề, số lượng tái định cư có quy mô lớn, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng nơi khác đến mua đất đón đầu giải tỏa và tách thửa nên thành phố quyết định không di dời dân. Mặt khác, việc đóng cửa nhà máy trước sau gì cũng phải làm vì nằm trong lộ, sẽ phải chấm dứt công nghệ luyện nấu thép từ phế liệu, gây ô nhiễm môi trường”.
Thành phố cũng đang triển khai việc thanh tra rà soát việc xây dựng các nhà trái phép để chờ giải tỏa ở khu vực này cũng như một số điểm khác trên địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.
Ông Thơ cũng khẳng định việc đóng cửa nhà máy cũng đã được trao đổi với doanh nghiệp chứ không phải muốn dừng là dừng ngay được. “Phải tính toán làm sao hạn chế tối đa thiệt hại của người dân lẫn doanh nghiệp nên TP đã quyết định cho hoạt động thêm 6 tháng để giải quyết hàng tồn đồng thời thu xếp công việc cho người lao động”. – Ông Thơ nói.
Liên quan đến dự án du lịch sinh thái Nam Ô vừa qua vấp phải sự phản ứng của người dân, thành phố đã chủ trương rà soát và điều chỉnh quy hoạch tại khu vực này và nhà đầu tư cũng đã đồng thuận. “Tinh thần là biển ở đó phải tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng” - Ông Thơ khẳng định.
Theo đó, lãnh đạo TP đã đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến dự án này. Trước hết là phải mở một số lối xuống biển chứ không thể bịt kín hết lại. Ngoài ra, sẽ tiền hành trùng tu tôn tạo lại các di tích lịch sử tại khu vực này; nghiên cứu phục hồi mở rộng lại làng nước mắm Nam Ô, ví dụ như khu vực này có thể sử dụng để trình diễn quy trình làm nước mắm hoặc trưng bày sản phẩm.
Riêng đường ranh giới giữa khu du lịch và khu dân cư cũng sẽ được mở rộng ra và không che chắn. Vùng dân cư khu Nam Ô cũng sẽ được mở rộng, nâng cấp các kiệt hẻm, cải tạo lại khu vực đó để người dân có thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng...
Người mua nên tìm hiểu thông tin về đất dự án tại website của Sở Xây dựng
Trả lời về việc nhiều dự án được giao làm đất thương mại dịch vụ nhưng nhà đầu tư lại cắt đất rao bán, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay Thanh tra Sở đã nhiều lần kiểm tra thông tin rao bán đất ở các dự án chưa đầy đủ điều kiện nhưng khi đi thực tế thì không có. Ông Hùng khuyến cáo người dân khi mua đất hay mua căn hộ cần tìm hiểu trên trang web của Sở Xây dựng, có công khai tất cả dự án đầy đủ điều kiện.
Về vấn đề nay, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, lịch sử thực hiện giao đất của Đà Nẵng trước đây có những khu đất giao cho tổ chức thậm chí giao cho cá nhân một khu rất lớn. “Giao một khối đất nhưng không có dự án, không có quy hoạch nhưng ghi trong quyết định giao đất là để làm căn hộ, khách sạn, biệt thự. Đối với những khu vực giao một khối đất rộng cho cá nhân mà không nói chi tiết làm gì thì ta phải làm lại quy hoạch, khu nào làm biệt thự, căn hộ, khu nào làm khách sạn” - Ông Thơ cho biết.