Khẳng định điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh đến việc trang bị đường truyền cáp quang miễn phí cho các trường học trên cả nước, trong đó có các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền; và mới đây nhất là giúp Bộ GD&ĐT xây dựng phần mềm quản lý thi THPT quốc gia.
Bộ trưởng cho biết, đây là một phần mềm lớn về quy mô, phức tạp về kỹ thuật vì vừa phải đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT, vừa đáp ứng việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
“Không chỉ với Viettel mà ngay cả Bộ GD&ĐT, đây cũng là việc chưa có trong tiền lệ. Các cán bộ, sĩ quan của Viettel đã sang làm việc, giúp đỡ Bộ GD&ĐT với tinh thần trách nhiệm cao, làm việc bất kể ngày đêm để vượt qua thách thức về kỹ thuật và chuyên môn.
Đến nay, phần mềm đã trải nghiệm qua thực tế, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra và không có lỗi gì lớn. Tôi rất trân trọng tấm lòng và sự sẵn sàng làm việc này của Viettel” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Cho biết đã báo cáo trước Quốc hội và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về những đóng góp của Viettel với ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tập đoàn vì những đóng góp, giúp đỡ to lớn đối vào công cuộc đổi mới của Ngành mà mới đây nhất là kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - ông Nguyễn Mạnh Hùng - bày tỏ niềm vui trước những thành công của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua; đồng thời gửi lời cảm ơn đối với Bộ GD&ĐT vì đã tạo cơ hội cho Tập đoàn được trải nghiệm những thách thức mới.
Vị tổng Giám đốc khiêm tốn cho rằng, với phần mềm quản lý thi THPT quốc gia, công sức của Tập đoàn chỉ đóng góp 30 – 40%, còn lại là công sức, trí tuệ của ngành Giáo dục. Cùng với đó, khẳng định sẽ tiếp tục sẵn sàng thực hiện những việc, dù khó Bộ GD&ĐT giao phó mà không cần đến kinh phí như trước đây vẫn làm.