Chiều 18/10, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cùng đoàn công tác đến thăm lưu học sinh Lào và làm việc với giáo viên, giảng viên trực tiếp dạy học chăm sóc, quản lý các em tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2.
Tại đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã nghe hiệu trưởng nhà trường báo cáo về 3 tuần học đầu tiên của các lưu học sinh Lào. Theo thầy giáo Hồ Quốc Việt – Hiệu trưởng nhà trường, dù thời gian tiếp nhận học sinh mới 3 tuần nhưng đến nay cơ bản các em đã ổn định việc học tập, sinh hoạt và hòa đồng với học sinh của trường.
Hiện, 30 em lưu học sinh Lào đang học Tiếng Việt với giáo viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An với thời lượng 8 tiết/ngày. Phòng học được bố trí tại dãy phòng chức năng để quá trình học tiếng không ảnh hưởng đến lớp khác. Ngoài ra, các em còn tham gia nhiều hoạt động cùng với học sinh của nhà trường như: học võ, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền và giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Giảng viên dạy Tiếng Việt và các em lưu học sinh Lào tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài. |
Qua trao đổi các lưu học sinh, ông Thái Văn Thành cũng lắng nghe tâm tư, tình cảm và mong muốn của các em trong thời gian đang học tập tại Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 tỉnh Nghệ An. Đồng thời, chuyển lời động viên đến các em cố gắng vượt qua thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, vất vả khi xa gia đình, quê hương đến học tập tại một môi trường mới tại Việt Nam.
Về phía nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các lưu học sinh được học tập, sinh hoạt. Trong quá trình tổ chức dạy học, chăm sóc, quản lý các em nếu gặp khó khăn cần sớm báo cáo với Sở để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã triển khai chủ trương hợp tác để đào tạo học sinh 6 tỉnh của Lào học cấp THPT tại Nghệ An từ năm học 2023-2024. Đây là chủ trương vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ vừa góp phần hỗ trợ các tỉnh bạn xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tình hình mới, là con đường căn bản để một quốc gia hưng thịnh và phát triển bền vững.
Nghệ An là tỉnh đầu tiên tiếp nhận đào tạo chương trình THPT cho lưu học sinh Lào. Ảnh: Hồ Lài. |
Thực hiện chủ trương này, ngày 2/10, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức Lễ tiếp nhận đào tạo chương trình THPT cho học sinh các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, năm học 2023 – 2024.
Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 là đơn vị tiếp nhận, bố trí ăn ở và địa điểm học tập tại trường cho 30 em đến từ 6 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay, Viêng Chăn, Sa Vẳn Na Khẹt và tỉnh Khăm Muộn.
Cùng ngày, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đến thăm Trường TH School Vinh. Đây là năm học thứ 2, Trường TH School Vinh hoạt động tại Nghệ An, hiện đang có các lớp từ 8 đến 11 với hơn 60 học sinh. Chương trình đào tạo của TH School, đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, khoa học xã hội… sẽ được dạy bằng Tiếng Việt theo hình thức cuốn chiếu. Còn các môn Toán, Khoa học, STEM, Kinh doanh… sẽ dạy học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Bên cạnh các môn học văn hóa, học sinh còn tham gia hoạt động trải nghiệm, các chương trình ngoại khóa, nghệ thuật… TH School cũng đã hỗ trợ xây dựng thư viện số tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và tài nguyên trong thư viện sẽ được mở cho học sinh của 2 trường cùng khai thác, sử dụng miễn phí.
Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An thăm lớp học của Trường TH School Vinh |
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, TH School là ngôi trường quốc tế đóng tại địa bàn tỉnh. Đến tham quan nhà trường, cũng là dịp để Sở được giới thiệu, chia sẻ, học tập chương trình đào tạo của TH School; cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục; cách thức xây dựng, vận hành thư viện số… Qua đó có thể áp dụng, triển khai một số nhân tố hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thực tiễn và trong khả năng các trường phổ thông công lập của tỉnh.
Hiện, trên cả nước, Nghệ An là tỉnh đầu tiên tiếp nhận lưu học sinh Lào sang học tập với. Theo kế hoạch, năm học này, các em sẽ học dự bị Tiếng Việt. Sau đó từ năm học 2024-2025 các em tiếp tục học Chương trình giáo dục cấp THPT của Việt Nam và chương trình tăng cường theo chuẩn quốc tế trong 3 năm.