Các ý kiến đều cho rằng, đây là phương án phù hợp với điều kiện dạy và học ở các trường THPT như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Phương án 1 phù hợp với điều kiện dạy và học hiện tại
Với phương án 1 – thi theo môn, học sinh có thể tham gia dự thi nhiều môn. Điều này tạo cơ hội cho học sinh tham gia dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ lớn hơn. Đồng thời các trường ĐH, CĐ cũng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn thí sinh phù hợp với những ngành đào tạo của trường.
Theo tôi, trong 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thì phương án thứ nhất phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.
Việc thi theo môn và thí sinh chọn môn thi phù hợp với quan điểm đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Hiện nay, chương trình THPT mà chúng ta đang áp dụng là chương trình được viết theo phân môn, phương pháp tổ chức dạy học của giáo viên cũng thực hiện theo cách dạy từng phân môn.
Vì vậy, phương án 1 phù hợp với tình hình dạy học và giáo dục hiện nay, đặc biệt là phù hợp với điều kiện học sinh của từng vùng miền; đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân loại học sinh tốt hơn. Đặc biệt là phù hợp với định hướng phân luồng đối với người học sau THPT.
Giáo dục và dạy học là một quá trình. Do vậy việc đổi mới dạy học nhất là đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá cũng phải có lộ trình, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt. Nhất là phải có sự chuẩn bị trong nhận thức và tâm lý của người học cũng như cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Do vậy, phương án 1 – thi theo môn so với phương án thực hiện năm 2014 ít có sự xáo trộn cho nên không gây lo lắng, áp lực đối với giáo viên, học sinh nhất là những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước.
Trong những năm tiếp theo, khi sự đổi mới của việc thi, kiểm tra, đánh giá đã tác động và tạo sự thay đổi trong phương pháp giáo dục và dạy học của nhà trường thì khi đó chúng ta sẽ từng bước triển khai theo những phương án khác chú trọng đến sự chủ động và sáng tạo của người học thể hiện kiến thức liên môn trong từng bài thi.
Ông Trương Anh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Nông: Mỗi huyện một hội đồng coi thi
Tôi tán thành việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, việc này phù hợp với lộ trình đổi mới theo tinh thần nghị quyết TƯ 8.
Vừa qua Bộ GD&ĐT đã công bố 3 phương án tổ chức một kỳ thi Quốc gia. Điều này cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của Bộ trong việc đổi mới thi cử. Theo tôi, trong năm 2015 nên chọn phương án 1.
Trước hết, phương án 1 gần giống với cách thi tốt nghiệp THPT năm 2014, đây là phương án ít bị xáo trộn, đều thi theo môn, giáo viên và học sinh đã quen với kiểu thi này nhiều năm nay.
Còn với kiểu ra đề thi tích hợp, liên môn như phương án 2 và 3, chưa thể thực hiện ngay vì cần có thời gian để tập huấn giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, ra đề kiểm tra trong năm học.
Hơn nữa, phương án tuy không hẳn là đột phá nhưng lại có phần đổi mới, bổ sung rất quan trọng và cơ bản so với năm trước. Đó là môn ngoại ngữ được đưa vào môn bắt buộc; Từ chỗ học sinh tự chọn 2 môn thì theo phương án mới chỉ chọn một môn, đồng thời được chọn thi thêm một môn để làm cơ sở cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN.
Việc này rất có lợi cho các trường ĐH, CĐ, TCCN vì họ có thêm thông tin khi xét tuyển, chất lượng đầu vào sẽ tốt hơn, và cũng thuận lợi cho học sinh, nhất là học sinh có khó khăn kinh tế, học sinh có học lực không tốt cũng sẽ không phải tham dự 2 kỳ thi trong một khoảng thời gian ngắn.
Tất nhiên, mỗi phương án mà Bộ đưa ra đều có những ưu điểm riêng và thực hiện mỗi phương án cần có lộ trình để thực hiện, sẽ phát huy hiệu quả khi điều kiện chuẩn bị chín muồi. Ngẫu nhiên, theo thứ tự, mỗi phương án thuộc các cấp độ khác nhau, mức độ khó và yêu cầu chuyên môn, chất lượng cũng tăng dần.
Điều chúng ta quan tâm là mức độ chính xác và độ tin cậy của kỳ thi chung này. Câu trả lời nằm ở sự nỗ lực của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương, và ý thức của các em học sinh.
Tôi ủng hộ phương án thi theo cụm. Cụm ở đây nên mỗi huyện một hội đồng coi thi, để tránh hoc sinh phải đi lại nhiều, chấm theo vùng như trong dự thảo đề xuất là phù hợp.
Lực lượng của Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ cùng tham gia, giám sát lẫn nhau để kì thi được khách quan, nghiêm túc và tin cậy hơn. Cũng là giải pháp để các trường ĐH, CĐ yên tâm trong khi xét tuyển đầu vào.
Thí sinh dự thi đại học |
Ông Nguyễn Xuân Ngọc – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng: Thi theo phương án 1, học sinh sẽ không thể xem nhẹ các môn học xã hội
Theo tôi, nếu thực hiện từ năm học 2015-2016 thì có thể chọn phương án 1 để thực hiện, sau đó rút kinh nghiệm. Từ năm học 2017 - 2018 trở đi có thể áp dụng phương án 2 và 3.
Thi theo phương án 1, tức là vẫn thi theo các môn vì phù hợp với cách dạy và học hiện nay, không gây xáo trộn, tâm lý hoang mang trong học sinh. Các em sẽ vẫn thi theo môn học truyền thống với 8 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại.
Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH - CĐ.
Thêm vào đó với phương án 1, học sinh trong quá trình học sẽ không thể xem nhẹ các môn học xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Duy Định - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai: Điều quan trọng nhất là đảm bảo công bằng giữa các tỉnh
Sở GD&ĐT Gia Lai đã thống nhất ý kiến góp ý dự thảo phương án kỳ thi THPT Quốc gia gửi lên Bộ GD&ĐT, theo đó, phương án được chọn là phương án 1.
Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn nhất và vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng đó là làm sao để tổ chức kỳ thi này đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, công bằng như nhau giữa các tỉnh.
Nếu không đồng đều chắc chắn sẽ dẫn đến mất công bằng cho thí sinh. Vì kết quả kỳ thi này không chỉ đơn thuần là xét tốt nghiệp mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong xét tuyển đầu vào.
Điều ai cũng biết là kỳ thi THPT bản chất là đánh giá trình độ học sinh phổ thông sau 12 năm, không có tính cạnh tranh. Nhưng tuyển sinh ĐH, CĐ lại hoàn toàn khác, dù các trường có tuyển sinh theo hình thức nào đi chăng nữa thì tính chất cạnh tranh vẫn tồn tại.
Có người cho rằng, để kỳ thi nghiêm túc và khách quan hơn, nên điều động giảng viên các trường đại học, cao đẳng xuống thanh tra thi coi thi, chấm thi. Trong thực tế công tác, tôi cho rằng hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Cũng có thể có giải pháp là đổi chéo giám thị, nhưng cách này khá phức tạp và tốn kém.
Ông Phạm Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: Tổ chức thi theo cụm huyện
Trong 3 phương án môn thi đưa ra trong dự thảo của Bộ GD&ĐT, quan điểm của cá nhân tôi là chọn phương án 1 nếu muốn tiến hành kỳ thi này ngay trong năm 2015.
Chọn phương án thi theo bài sẽ có những khó khăn cả trong công tác tổ chức thi, ra đề, chấm thi, nhất là tạo tâm lý lo lắng, căng thẳng cho cả giáo viên và học sinh.
Việc thi theo cụm, đổi bài, chấm chéo giữa các tỉnh, rồi huy động lực lượng giảng viên đại học, cao đẳng tham gia công tác thi… Đắk Lắk cũng đã từng làm, nhưng quả thực gây phức tạp và tốn kém.
Mặc dù việc thi cụm, tăng cường coi thi, giám sát của giảng viên đại học góp phần giúp kỳ thi nghiêm túc hơn nhưng thực sự công tác tổ chức khó khăn. Nhất là với vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất không đảm bảo nếu có lượng lớn thí sinh, cán bộ coi thi tập trung tại một địa điểm.
Theo tôi, với Đắk Lắk, có thể bố trí thi theo cụm, nhưng không gộp lại quá nhiều trường vì có những địa bàn rất xa. Tốt nhất là tổ chức được theo từng cụm huyện.
Cũng nên tăng cường lực lượng thanh tra cắm chốt của Bộ GD&ĐT tại các hội đồng thi, như vậy sẽ giúp kỳ thi diễn ra nghiêm túc hơn.
Riêng chấm thi, mỗi tỉnh nên thành lập một hội đồng chấm. Việc chấm theo vùng miền sẽ phức tạp hơn vì lượng bài thi lớn, phải vận chuyển bài thi, tập trung giám thị, như vậy sẽ phức tạp, tốn kém…