Làng sách xinh nhất thế giới

GD&TĐ - Nép dưới chân Núi Đen của vùng Occitanie, miền Nam nước Pháp là ngôi làng nhỏ chỉ khoảng 800 dân cư nhưng lại có đến tận 15 hiệu sách.

Mọi ngóc ngách của làng sách Montolieu đều có sách. Ảnh: BBC.com
Mọi ngóc ngách của làng sách Montolieu đều có sách. Ảnh: BBC.com

Thay vì cạnh tranh buôn bán, giữa các cửa hiệu lại hình thành mối quan hệ hợp tác thân thiết, luôn chung tay giúp độc giả tìm được cuốn sách mà họ cần một cách nhanh nhất.

Chuyên sách cũ và cổ

Miền Nam nước Pháp là vùng đất yên ả với nhiều rặng núi, ngọn đồi được thông, sồi… phủ xanh. Nếu lái xe men theo chân rặng Núi Đen, bạn sẽ dần tiến tới Montolieu, ngôi làng nhỏ xinh lừng danh “làng sách”.

Đúng như biệt danh, Montolieu là ngôi làng đầy sách. Theo tư liệu, vào thập niên 1980, thợ đóng sách là ông Michel Braibant đã vì tình yêu vô bờ đối với sách mà mở Hiệp hội Làng Sách Montolieu và thành lập Bảo tàng Sách Thủ công và Nghệ thuật. Mong ước của ông là Montolieu sẽ trở thành nơi lưu giữ, bảo vệ và duy trì nghệ thuật đóng sách.

Ban đầu, ông Braibant gặp rất nhiều khó khăn. Ý tưởng của ông tuy rất hay, nhưng xa vời thực tế, khó giúp gia đình cơm no áo ấm. Kết quả là khi ông qua đời vào năm 1992, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ.

Tuy nhiên, vợ của ông đã nối tiếp nỗ lực này bằng cách cầu xin chủ nhà máy sản xuất giấy địa phương hỗ trợ. Cuối cùng, người chủ của nhà máy này cũng xiêu lòng, đồng ý đứng ra gánh vác bằng cách tích cực tìm kiếm và liên hệ với những người bán sách, hứa cung cấp mặt bằng giá rẻ, thu hút khách mua…

Dần dà, Montolieu quy tụ nhiều người bán sách và thợ đóng sách về mở cửa hiệu, xưởng, trở thành thiên đường sách với các cửa tiệm sáng sủa, bên trong xếp đầy sách các loại, đặc biệt nhiều sách cũ, cổ và quý.

Hay tin, du khách “mọt sách” khắp nơi nườm nượp đổ tới đây, tìm kiếm và đọc sách. Các chủ hiệu sách không chỉ hiếu khách, mà còn rất vì khách. Chỉ cần người mua cho biết tiêu đề sách muốn tìm, họ lập tức trao đổi với bạn buôn để cùng nhau tìm ra nhanh nhất.

Yêu Montolieu, du khách kéo đến ngày càng đông, trung bình mỗi năm hơn 52 nghìn lượt người. Nhờ họ, “làng sách” phát triển nhanh, mạnh, có thêm rất nhiều cửa hàng dịch vụ như quầy bar, máy bán hàng tự động, quán cà phê… và cả trường mầm non, tiểu học, bệnh viện, nông trường, khu cắm trại.

Ngày nay, Montolieu với chỉ khoảng 800 cư dân mà có đến 15 hiệu sách, 5 xưởng và phòng trưng bày nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc và 3 studio nhiếp ảnh.

Bảo tàng Sách Thủ công và Nghệ thuật thì vừa trưng bày các máy móc, đồ dùng đóng sách thủ công cổ, vừa tổ chức các buổi hội thảo và đóng sách thường kỳ.

Trong các buổi hội thảo này, nghệ nhân tham dự chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm về giấy, khắc, thư pháp Latinh… Cô Camille Grin, người thừa kế bảo tàng tư nhân từ ông Braibant phụ trách giới thiệu và giảng dạy về phương pháp in, đóng sách với các máy móc cổ.

So với bán sách, Montolieu ưu tiên làm ra sách. Ảnh: BBC.com

So với bán sách, Montolieu ưu tiên làm ra sách. Ảnh: BBC.com

Thiên đường đóng sách

Kỳ thực, Montolieu không phải “làng sách” duy nhất hay đầu tiên trên thế giới. Danh hiệu “làng sách đầu tiên” thuộc về thị trấn Hay-on-Wye ở xứ Wales, nơi có hơn 20 hiệu sách và từ năm 1963.

Danh hiệu “làng sách thứ 2” thì thuộc về làng Redu của Bỉ, vào năm 1984. Ngay cả ở Pháp, Montolieu cũng đạt danh hiệu sau Bécherel ở Brittany và cùng thời điểm với 7 “làng sách” khác.

Nguyên nhân Montolieu “sinh sau đẻ muộn” mà vẫn nổi như cồn nằm ở hoạt động bảo vệ và phát huy nghệ thuật đóng sách. Nói cách khác, nó ưu tiên “làm ra sách” chứ không phải bán sách.

Trong Montolieu có 7 thợ thủ công đóng sách. Hầu hết các chủ tiệm sách đều kiêm luôn nghề thợ thủ công làm sách, vừa bán sách vừa phục hồi sách cũ. Nếu bước vào bên trong cửa hiệu Abélard của anh Rob Kleiss, bạn sẽ thấy la liệt sách cũ đang ở các giai đoạn khác nhau như chờ khôi phục, đang sửa, đã sẵn sàng mang ra bán…

Anh Kleiss sống ở căn nhà nằm đối diện với hiệu sách của mình và hầu hết không gian trống trong nhà ở của anh đều được tận dụng để xếp sách. Cô Marie-Hélène Guillaumot, chủ tiệm sách khác thì sống luôn trong cửa hàng, vừa bán sách vừa tranh thủ bọc sách, làm việc nhà. Chú Jean, chủ tiệm sách tên Au Temps de Jadis có cả bản sao của cuốn Les Pensées de Pascal xuất bản năm 1670…

Với các 'mọt sách', Montolieu chính là thiên đường. Ảnh: BBC.com

Với các 'mọt sách', Montolieu chính là thiên đường. Ảnh: BBC.com

Mùa du lịch của Montolieu chính thức mở màn với phiên chợ sách cuối tuần lễ Phục sinh. Khuôn viên nhà máy dệt có từ thế kỷ XVIII nằm ở cuối làng biến thành trung tâm tổ chức các buổi hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật còn các cửa hiệu sách thì trang hoàng rực rỡ. Du khách thỏa thích thăm thú bảo tàng, các cửa hàng thủ công, ngắm nghía các tác phẩm mỹ thuật, đọc thử và mua sách.

Trong Montolieu có một nhà máy sản xuất giấy và bìa cứng đang hoạt động. Nó được xây dựng vào năm 1877, là sản nghiệp tư của gia đình Chaïla. Hiện, cô Durand-Hayes, hậu duệ đời thứ 7 của gia đình này đang phụ trách điều hành nhà máy kiêm hướng dẫn tham quan.

Người giúp ông Braibant nối tiếp giấc mơ chính là André Durand, chú ruột của cô Hayes. “Chúng tôi đã bảo vệ và đang duy trì một nghề thủ công ở đây”, cô Hayes tự hào nói.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ