Hai ông này cùng ba người khác bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can về tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Đang họp HĐND bị khởi tố
Quyết định khởi tố hai ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) và ông Trần Trọng Tuấn (Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Bí thư Quận ủy Q.3 TPHCM) được ban ra trưa 11/7. Sáng 11/7, hai ông này vẫn đang tham dự kỳ họp của HĐND TPHCM với tư cách là đại biểu.
Hai bị can Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn cùng bị khởi tố điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Các quyết định đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. Cơ quan CSĐT cũng đã tiến hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của hai ông Tuyến và Tuấn. Ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn được tại ngoại.
Cùng ngày 11/7, Thủ tướng đã có quyết định tạm đình chỉ công tác Phó Chủ tịch UBND TPHCM đối với ông Trần Vĩnh Tuyến vì có hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác là 90 ngày kể từ ngày 11/7. Đồng thời, HĐND TPHCM cũng đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND với ông Tuyến.
Ngoài hai ông Tuyến và Tuấn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đối với 3 bị can: Ông Phan Trường Sơn (Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM (nguyên Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM); ông Trần Quốc Đạt (Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM); ông Lê Tấn Hòa (chuyên viên Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM).
Trao đổi với báo chí sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, cá nhân ông cảm thấy rất buồn và đau xót khi cán bộ cấp dưới mắc sai phạm và bị xử lý. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc khởi tố hình sự đối với các cán bộ lãnh đạo nói trên không ảnh hưởng đến công tác nhân sự của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Đồng thời, về xử lý các bị can vừa bị khởi tố trong Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM sẽ họp bàn về vấn đề này. Tất cả các quyết định sẽ căn cứ vào quy định của Đảng.
Liên quan sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn?
Thông tin điều tra ban đầu cho thấy, các ông Tuyến, Tuấn và 3 bị can khác bị khởi tố nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI). Vụ án xảy ra tại SAGRI được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Theo đó, ông Tuyến, ông Tuấn và 3 bị can khác bị khởi tố vì đã vi phạm các quy định khi đồng ý cho SAGRI chuyển nhượng lại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, Q.9, TPHCM (dự án nhà ở Phước Long B) mà SAGRI làm chủ đầu tư. Dự án này bị Thanh tra TPHCM và Kiểm toán Nhà nước xác định có nhiều vi phạm, chuyển nhượng gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo diễn tiến vụ việc, tháng 10/2008, SAGRI ký với Tổng Công ty cổ phần Phong Phú hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án có tổng diện tích trên 36 ha. Sau nhiều lần thay đổi, đến năm 2018, SAGRI đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú mà không qua đấu giá.
Trước đó, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI, ngày 3/11/2017, ông Trần Trọng Tuấn (lúc này là Giám đốc Sở Xây dựng) đã có tờ trình gửi UBND TP khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị TP chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án.
Đồng thời, ông Tuấn cũng kiến nghị Sở Tài chính, Cục Thuế, Chi cục Tài chính doanh nghiệp hướng dẫn SAGRI và Công ty Phong Phú tuân thủ các quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước… Từ tờ trình của ông Tuấn, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại SAGRI, ngày 6/7/2019, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can đối với ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) và Nguyễn Thành Mỹ (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư SAGRI) về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Sau đó, Cơ quan CSĐT cũng đã tạm giam ông Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch HĐTV) và Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI). Đồng thời, trong quá trình mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT đã khởi tố thêm nhiều bị can liên quan đến vụ án này. Một số cán bộ của TPHCM đã bị kỷ luật do liên quan đến những sai phạm tại SAGRI.
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót của SAGRI trong việc cho thuê đất, hợp tác đầu tư khi chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền, đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành. Trước đó, Thanh tra TPHCM có Kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm tại SAGRI trong thời kỳ ông Lê Tấn Hùng lãnh đạo. Theo đó, SAGRI đã dùng gần 8 tỷ đồng để thuê mặt bằng 123 Trương Định (Q.3, TPHCM) làm văn phòng làm việc của tổng công ty và các công ty thành viên chưa đúng với quy định...
Trong quá trình hình thành và hoạt động, SAGRI được TPHCM giao quản lý nhiều quỹ đất nhưng sử dụng, khai thác không hiệu quả, dẫn đến việc thay đổi chủ đầu tư như tại dự án, tự ý cho thuê đất sai quy định, không báo cáo Thường trực UBND TPHCM.