Làng nghề làm trống trăm năm tuổi hối hả vào mùa

GD&TĐ - Những ngày cuối năm cũng là thời điểm làng nghề trống Bắc Thai, xã Thạch Hội (Thạch Hà, Hà Tĩnh) hối hả vào mùa sản xuất mới.

Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu về trống tăng cao.
Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu về trống tăng cao.

Từ sáng đến tối, tiếng đục đẽo, bịt da, chang trống lại rộn rã khắp các nẻo đường. Thợ trống lành nghề đang chạy đua với thời gian để kịp đưa ra thị trường những chiếc trống bền đẹp đúng “thương hiệu” trống làng Bắc Thai.

Về Thạch Hội những ngày này, khách phương xa chẳng cần hỏi đường đến thôn Bắc Thai, bởi từ xa, vẳng trong không gian đã nghe tiếng thử trống thùng thình. Lần theo thứ âm thanh mộc mạc ấy, người ta dễ dàng tìm được đến tận làng nghề làm trống với tuổi đời đã ngót 100 năm.

Trong một năm, người làm trống Bắc Thai bận rộn nhất là từ tháng 7 đến tháng Giêng (âm lịch). Bởi, đây là những dịp Rằm, khai giảng năm học mới, lễ hội đầu xuân… nhu cầu sử dụng trống tăng cao. Hiện nay, Bắc Thai có khoảng 15 cơ sở làm trống chuyên nghiệp theo hình thức “cha truyền con nối”.

Phần lớn các hộ dân tham gia làm nghề trống Bắc Thai đều là con cháu dòng họ Bùi như hộ ông Bùi Văn Trăn (SN 1944), ông Bùi Văn Điểng (Cố Đỉnh), Bùi Văn Tụ (SN 1925), Bùi Văn Tứ, Bùi Văn Thuận…

Theo các bậc cao niên trong làng, các cụ không còn nhớ rõ nghề trống xuất hiện ở Bắc Thai từ bao giờ. “Từ khi 5 - 6 tuổi, tôi đã nhìn cha tôi làm trống. Lên 10 thì bắt đầu biết làm trống con. Rồi cứ thế trở thành thợ làm trống lúc nào chẳng hay”, cụ Bùi Văn Điểng kể.

Còn trong trí nhớ của ông Bùi Văn Trăn (80 tuổi) thì “sinh ra đã nghe tiếng ru của mẹ hòa lẫn với gõ, tiếng đục và tiếng thùng thình của trống”. “Tôi học làm trống từ cha tôi, rồi truyền lại cho con cháu. Nghề làm trống của làng cứ thế nối tiếp đã qua nhiều thế hệ. Phụ nữ trong nhà dẫu không làm thợ nhưng quy cách làm trống thì ai cũng tỏ”, ông Trăn nói.

lang-nghe-lam-trong-tram-nam-tuoi-3.jpg
Hiện nay, máy móc đã góp phần giảm bớt sức lao động cho người làm nghề trống tại Bắc Thai.
lang-nghe-lam-trong-tram-nam-tuoi-4.jpg
Tuy nhiên, nhiều công đoạn vẫn được các hộ sản xuất sử dụng phương pháp thủ công làm nên 'hồn cốt' thương hiệu trống Bắc Thai.

“Trống da bò, chang mít, nịt song”

Nghề làm trống Bắc Thai vốn chẳng phân biệt già trẻ, trai gái. Phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn nhẹ nhàng như: Phơi da bò, đánh giấy nhám, còn đàn ông thì phụ trách các công đoạn quan trọng, khó hơn như: Xẻ gỗ, ghép chang…

Để làm ra một chiếc trống bền, đẹp với tiếng trống vang, người Bắc Thai có những bí quyết riêng mà những nơi khác không có được. Công thức mà các thế hệ ở Bắc Thai truyền nhau để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống thể hiện qua câu ca “Trống da bò, chang mít, nịt song”.

Anh Bùi Văn Đồng - thợ làm trống, cho biết: “Máy móc hiện đại đã dần thay thế nhiều công đoạn giúp việc làm trống được nhanh hơn. Thế nhưng, những phương pháp thủ công làm nên ‘hồn cốt’ của trống làng vẫn được nhiều thế hệ thợ trống giữ lại. Đó cũng là điều làm nên thương hiệu trống Bắc Thai”.

Trung bình, người thợ phải mất 3 đến 4 ngày để hoàn thành một chiếc trống nếu nguyên liệu có sẵn, ngược lại có khi mất đến cả tháng trời trải qua 10 công đoạn. Trước tiên là chọn loại gỗ tốt để làm tang (thân) trống, gỗ thường được chọn là loại gỗ mít.

Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt mới đem ra sử dụng làm thân trống. Để phơi khô gỗ, thợ làm trống dùng máy cắt mỏng từng thanh nhỏ với kích thước khác nhau. Thông thường nếu gặp thời tiết nắng to thì chỉ cần 3 - 5 ngày là gỗ có thể đem vào sử dụng.

Tiếp theo là công đoạn khép thùng, bào môi, nịt dây song, làm khoen trống. “Sở dĩ chúng tôi dùng song thay dùng mây vì loại cây này có độ dẻo dai tốt, dễ uốn nắn”, anh Đồng bật mí.

Một công đoạn quan trọng quyết định thành hay bại của một cái trống là khâu chọn da trống. Kinh nghiệm của thợ làm trống Bắc Thai là chọn da bò, không dùng da cổ, da bụng, da đùi vì khi đánh mặt trống sẽ bị rách. Một miếng da đẹp được lấy từ con bò phải già, thịt nạc và ít mỡ.

Da bò được mua tại các lò mổ được xử lý bớt lông và ngâm nước khử mùi rồi đem phơi nắng để tăng độ bền. Đặc biệt muốn trống có tiếng kêu thanh, vang thì trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ. Đây là phần việc rất khó, đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ và cẩn thận. Bởi tùy theo từng loại trống, dăm trống mà lạng da mỏng hay dày.

Sau đó, người thợ cắt da theo kích thước đã định, đem ngâm nước 12 giờ cho mềm. Kế đến là dùng dao bầu nhọn khoét từng lỗ nhỏ khoảng 2 ly đều xung quanh vòng tròn miếng da, các hàng lỗ cách nhau 5cm. Dây da bò được xỏ qua lỗ để đưa qua giàn trò mà căng mặt trống.

Người thợ phải khéo tay, tỉ mẩn để kéo căng đều miếng da bò vừa dai vừa dày, bịt kín 2 đầu miệng trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt làm từ tre già. Đây là bước điều chỉnh âm thanh cao thấp nên chỉ có những người “rành” nghề mới có thể xử lý được bài bản, đạt chuẩn. Chính kỹ thuật khéo léo, tỉ mỉ đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng nghề.

Tiếp đến là kỹ thuật lắp giàn trò, kỹ thuật tăng đơ trống, đóng chốt tre. Khâu cuối cùng là khâu trang trí.

“Về hình thức, trống Bắc Thai cũng giống như các loại trống nơi khác. Sau khi hoàn thiện, trống được sơn dầu bóng, vừa tăng độ thẩm mỹ. Những đơn đặt hàng, khách yêu cầu trang trí các hoa văn làm trống hội… chúng tôi đều đáp ứng nhu cầu”, ông Bùi Văn Tứ cho hay.

lang-nghe-lam-trong-tram-nam-tuoi-2.jpg
Da bò sau khi được làm sạch lạng mỏng đem đi phơi khô.
lang-nghe-lam-trong-tram-nam-tuoi-1.jpg
Gỗ mít - nguyên liệu chính để làm thân trống.

Vang mãi tiếng trống làng nghề

Để giữ được sự tồn tại của làng nghề, phát triển và nâng cao uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong những năm qua, các hộ sản xuất trống ở thôn Bắc Thai đã đầu tư mạnh tay để mua sắm máy móc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Với uy tín, thương hiệu làm trống lâu đời tạo dựng từ bao năm nay, ngoài khách trong tỉnh, trống Bắc Thai còn có cả khách nhiều địa phương khác như Nghệ An, Quảng Bình đặt hàng.

Theo ông Bùi Văn Tráng, giá thành của trống Bắc Thai cũng khá đa dạng, tùy theo nhu cầu biến động thường xuyên của thị trường. Thông thường, giá của một chiếc trống lớn có chiều cao 2,2m từ 10 - 15 triệu đồng, trống trung bình có giá từ 5 - 7 triệu đồng và loại trống cơm thường có giá khoảng 500 - 600 nghìn đồng/chiếc.

lang-nghe-lam-trong-tram-nam-tuoi-6.jpg
Một chiếc trống sau khi đã hoàn thiện.

“Giá trống không chỉ tùy vào kích cỡ, mà còn tùy vào yêu cầu của khách đặt, cũng một kích cỡ nhưng nếu yêu cầu cao hơn thì giá thành cũng cao hơn…”, ông Tráng cho biết thêm.

Từ năm 2019, UBND xã Thạch Hội đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội, với mong muốn thuận lợi cho việc sản xuất, phát triển nghề trống để làng trống Bắc Thai vươn xa hơn.

Ông Bùi Văn Nghiệm – Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, mỗi năm các cơ sở tại hợp tác xã sản xuất khoảng 1.500 trống các loại. Trung bình, mỗi hộ gia đình sản xuất từ 40 - 50 chiếc/năm. Nghề làm trống đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động. Từ nghề trống, giúp các hộ gia đình thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm.

Tuy vậy, những năm gần đây cũng như bao làng nghề truyền thống, nghề trống Bắc Thai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn nhân lực và thị trường. Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho biết, do mặt hàng chỉ bán thời vụ nên hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn lại 15 hộ dân theo nghề làm trống, giảm khá nhiều so với thời gian trước. Nhiều người dân làm trống trước đây đã chuyển đi nơi khác hoặc chuyển nghề.

Cũng theo đại diện UBND xã Thạch Hội, làng nghề trống Bắc Thai có tiềm năng lớn trong việc phát triển ngành du lịch và thu hút khách du lịch. Chính quyền địa phương cũng đã có định hướng phát triển làng nghề trống Bắc Thai trở thành sản phẩm có thương hiệu để đầu ra sản phẩm của bà con được ổn định hơn.

“Trong lộ trình phát triển, UBND huyện Thạch Hà quy hoạch và xây dựng làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống. Trước đó, UBND xã cũng đã thành lập hợp tác xã làm trống để kết nối giúp người dân, tuy nhiên hiện nay đã tan rã vì họ còn làm nhỏ lẻ và theo hộ gia đình. Khó khăn nhất hiện tại vẫn là đầu ra cho các sản phẩm”, Chủ tịch UBND xã Thạch Hội chia sẻ thêm.

Chúng tôi rất muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của làng. Trong thời gian tới, để thuận lợi cho việc sản xuất, phát triển nghề trống, tiến tới xây dựng một làng nghề truyền thống được các cơ quan chức năng công nhận, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các cấp ban ngành để làng trống Bắc Thai vươn xa hơn - Ông Bùi Văn Nghiệm (Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ