CÁC CHUYÊN GIA, KHÁCH MỜI THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
1) GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển;2) Ông Trần Hướng Dương - Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch);
3) TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội);
4) Học sinh Đinh Thái Hà - Bí thư Đoàn Trường THPT Lomonoxop (Hà Nội)
Trong những năm gần đây bạo lực gia đình đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm của toàn xã hội.
Nạn nhân của bạo lực gia đình phải chịu đựng từ bị nhục mạ, bị khủng hoảng về tâm lý kéo dài, tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến bị thương tật, thậm chí thiệt hại đến tính mạng, tài sản.
Nhiều trẻ em trong các gia đình có bạo lực phải chịu thiệt thòi: Sống xa cha hoặc mẹ, hoặc cả hai, phải bỏ học, lang thang, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bị lạm dụng…
Trong thực tế, nỗi đau bạo lực gia đình giờ không còn là “chuyện bên lề” của mỗi nhà trường. Theo đó, các giáo viên, nhà quản lý đều mong muốn được tư vấn, chia sẻ cách thức nhận diện hành vi bạo lực gia đình, biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền HSSV và những người liên quan phòng chống bạo lực gia đình; HSSV và người thân được trang bị kiến thức biết tự bảo vệ trước bạo lực gia đình cũng như nhận thức rõ về tác hại của bạo lực gia đình đến tương lai của trẻ em…
Nắm bắt được nhu cầu này, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Vụ Công tác Học sinh – Sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng chống bạo lực gia đình: Lắng nghe bằng trái tim, bảo vệ bằng hành động".
Đúng 9h, chương trình giao lưu trực tuyến bắt đầu
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại - tuyên bố lý do và cảm ơn các vị khách mời đã tham gia giao lưu cùng bạn đọc.
Chương trình giao lưu trực tuyến là cầu nối giữa các chuyên gia, khách mời và bạn đọc cả nước, giúp thầy cô giáo, HSSV và phụ huynh nắm bắt, hiểu sâu và tuyên truyền rộng rãi các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống phòng chống bạo lực gia đình.
Nhìn xa hơn, mỗi học sinh, sinh viên khi được thầy cô lắng nghe bằng trái tim, được nhà trường bảo vệ bằng hành động, khi trưởng thành, các em sẽ trở thành những người cha, người mẹ mang lại bình yên, hạnh phúc cho con em mình. Lúc đó, bạo lực gia đình sẽ hoàn toàn bị triệt tiêu.