Hiếm có trong lịch sử
Khi giới thiệu về những giá trị văn hoá còn mãi với thời gian, bên cạnh đình Triều Khúc và điệu múa “con đĩ đánh bồng” vang danh đất Hà thành, ông Đỗ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) tự hào khi nhắc đến dòng họ khoa bảng Nguyễn Gia. “Đến nay, trong đình Triều Khúc, di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia vốn tượng trưng cho ban Văn hiện vẫn phối thờ cụ Nguyễn Gia Du với dòng chữ tôn vinh “Chư bộ văn ban Nguyễn Tiến sĩ vị tiền…”, - ông Long kể.
Cũng theo ông Long, tại cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 -1919) có ghi, cụ người xã Triều Khúc, huyện Thanh Oai nay là thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội - Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục.
Tiến sĩ Đinh Đức Tiến - Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV cho biết, dòng họ Nguyễn Gia xuất phát từ làng Triều Khúc. Đầu tiên là Tiến sĩ Nguyễn Gia Du – người từng có thời gian dạy học và bốc thuốc chữa bệnh tại làng Kim Bí (Tiên Phong, phủ Quảng Oai - nay là thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội). Cụ như người “khai sơn, lập địa”. Sau khi cụ mất, nhân dân trong làng đã dựng ngôi đình Đoài để thờ cúng. Đến nay, ngôi đình vẫn còn với các đạo sắc phong của các triều đại, phong cụ Nguyễn Gia Du là Thành hoàng làng Kim Bí.
Theo ghi chép, Tiến sĩ Nguyễn Gia Du có cha và ông nội đều là những bậc khoa bảng được vinh danh. Đó là các Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Trung. Trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919) có ghi, Nguyễn Trung đỗ Đệ Tam Giáp, đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông. Năm 1483 được cử đi sứ nhà Minh, năm 1508 được cử làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Làm đến chức Lễ bộ Thượng thư, nhập thị Kinh diên, kiêm trưởng Hàn lâm viện Sự. Nguyễn Nghiễm là con cụ Nguyễn Trung khi mới 22 tuổi đã đỗ Đệ Tam Giáp, đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24, đời vua Lê Thánh Tông (1493). Cụ giữ chức Lễ bộ Tả Thị Lang, Thừa tướng.
“Soi chiếu trong lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có thể thấy những đóng góp của những nhà khoa Bảng dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc) với ba cha con, ông cháu “trực hệ Đồng Triều” là các cụ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Gia Du đỗ tiến sĩ lần lượt vào các năm 1472, 1493, 1505 và trở thành những vị quan thanh liêm được nhân dân tôn thờ là “Danh khoa thế mỹ”, được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá: “Là điều hiếm có trong lịch sử” - Tiến sĩ Đinh Đức Tiến thông tin.
Khởi đầu cho sự vinh hiển của dòng họ là cụ Nguyễn Vĩnh, đỗ Hoành từ khoa năm 1307. Sau cụ, những trang vàng về sự thành đạt trong sự nghiệp của dòng họ tiếp tục được nối dài bởi truyền thống hiếu học của các thế hệ con cháu. Nguyễn Gia Phả Ký còn ghi danh thơm 12 vị liệt Tổ của dòng họ Nguyễn Gia xuất thân từ Triều Khúc đã đỗ đạt cao, làm nên sự nghiệp lớn qua nhiều thời đại. Cụ Nguyễn Chỉ, nguyên quán Triều Khúc, định cư Tả Thanh Oai đỗ tiến sĩ năm Quý Hợi (1453). Cụ Nguyễn Tông Trình, đỗ tiến sĩ năm 1754...
Đất lành khoa bảng
Tiến sĩ Đào Thanh Hải - Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, dòng họ Nguyễn Gia ở Triều Khúc có thể coi là bậc cự gia khi có ba đời phụ tử đăng khoa kế tiếp nhau. Dòng họ Nguyễn Gia vốn xuất xứ từ làng Đồng Dương, xã Đồng Mai, Thanh Oai, Hà Nội. Sau có một gia đình di cư ra Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) để sinh sống và lập nghiệp. Từ đó, có ba đời liên tiếp của dòng họ này đều đỗ đến tiến sĩ và làm quan to trong triều. Theo cuốn “Tiến sĩ nho học Thăng Long - Hà Nội” xuất bản năm 2003 có ghi nhận cả 3 cha con, ông cháu dòng học từ cụ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Gia Du đều vinh danh khoa bảng.
Theo ông Nguyễn Gia Hiền, đại diện dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc), trải qua những thăng trầm của lịch sử, dòng họ vẫn vững bước tiếp nối truyền thống hiếu học, không ngừng phấn đấu vươn lên làm rạng danh cho dòng họ.
Ông Đặng Ngọc Quyền - Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết thêm, để phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Gia, mọi người trong họ đã xây dựng quỹ khuyến học từ năm 2005 để động viên những người có thành tích học tập tốt, vượt nghèo, vượt khó học giỏi.