Những ngày này về làng Vĩnh Phúc, đâu đâu cũng bắt gặp nhiều người dân phấn khởi, gấp gáp thu hoạch, cắt tỉa, phân loại, sắp xếp thành từng bó lá dong cẩn thận để bán cho các thương lái khắp thị trường Hà Tĩnh, Nghệ An. Qua tìm hiểu được biết toàn thôn Vĩnh Phúc này có khoảng 175 hộ trồng lá dong. Hộ trồng ít nhất cũng 300m2, còn đối với những hộ trồng nhiều thì lên đến hơn 1000m2.
Những người cao niên tại đây cho hay, cây lá dong có mặt tại làng này đã có từ nhiều đời qua, đây là giống cây rừng, được người dân đưa về trồng thử, sau đó thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng, cây sinh trưởng phát triển tốt. Thời kỳ đầu người dân cũng chỉ trồng để phục vụ gia đình gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thế nhưng theo sự phát triển của xã hội, cây lá dong đã trở thành một loại hàng hóa của thị trường, không chỉ phục vụ những ngày Tết, mà cây lá dong được dùng để gói bánh chưng hàng ngày phục vụ nhu cầu của mọi người.
Một cụ cao niên cho hay: “Thời ông còn nhỏ, giống cây này đã được bố mẹ ông đưa về trồng tại vườn thay thế các loại cây như ngô, lạc… Người lớn lên rừng mang chồi về trồng, sau đó nhiều người trồng gia đình dùng không hết mới mang ra chợ bán. Dần dần đến mãi sau này thì không phải mang ra chợ bán nữa, mà thương lái tìm về tận vườn nhà để mua”
Nắm bắt được xu thế đó cây lá dong được người dân trong vùng trồng và nhân rộng ra trên địa bàn, từ chỗ trồng để phục vụ gia đình không chăm sóc, thì cây lá dong được người dân quan tâm hơn, họ chăm sóc kỹ lưỡng trong vườn nhà mình.
Chị Đàm Thị Luyến, thôn Vĩnh Phúc cho hay: “Trồng loại cây này so với các loại cây khác thì khỏe hơn, gia đình nào chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 2-3 lứa/năm, còn gia đình tôi do nhân lực ít nên chủ yếu trồng phục vụ thị trường tết”.
Chị Luyến cho biết thêm, cây lá dong là loài cây rừng nhưng qua quá trình thuần hóa nó rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít. Sau khi thu hoạch người dân sẽ tiến hành bón một ít vôi bột để chống các loại sâu bệnh phá hoại, khi cây bắt đầu cho mầm mới, người dân tiếp tục bón các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân lân…để tiếp thêm nguồn dinh dưỡng cho cây phát triển và cho lá đẹp.
Nhiều người dân ở đây cho biết, so với lá dong rừng thì lá dong trồng ở vườn nhà tại đây dày hơn, khi gói bánh chưng lá sẽ tiết ra màu xanh đặc trưng của lá ngấm vào gạo, cùng với đó là vị thơm và ngon hơn.
So với các thời điểm thu hoạch trong năm, thì dịp thu hoạch bán cho thị trường tết lá dong được giá hơn. Giá dao động trong khoảng từ 50.000 – 60.000đồng/100 lá. Nhà nào chăm sóc tốt, lá to, đẹp, không sâu bệnh và thu hoạch sát tết thì có thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Một số hình ảnh người dân hối hả thu hoạch lá dong phục vụ đùm bánh chưng, bánh tét ngày Tết:
Người dân hối hả thu hoạch lá dong |
Được cắt tỉa cẩn thận |
Gói thành từng bó |
Vườn lá dong trước khi thu hoạch |
Sau khi thu hoạch |
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về người dân làng này lại hối hả thu hoạch lá dong phục vụ ngày Tết. |