Làng hiếu học ở xứ xương rồng

Làng hiếu học ở xứ xương rồng

Ông Phú Văn Điền, Bí thư chi bộ thôn cho biết, làng có 23 bác sĩ, 32 kỹ sư, 10 giáo viên THPT, gần 100 giáo viên THCS và Tiểu học…trong đó có 1 tiến sĩ, 8 thạc sĩ. Nhưng con số này là mới chỉ tính riêng ở làng Hữu Đức mới, nếu không còn cao hơn nữa (làng Hữu Đức cũ gồm cả làng Tân Đức và Thạnh Đức).

Trường Tiểu học Hữu Đức
Trường Tiểu học Hữu Đức

Nói về truyền thống hiếu học ở Hữu Đức, phải nhắc đến gia đình Bà Hán Thị Tình, dù chồng chết nhưng bà vẫn một mình lặn lội mưu sinh, nuôi 2 người con ăn học thành tài, trở thành bác sĩ, kỹ sư.

Ông Đàng Năng Trỗ có 3 người con là kỹ sư, 1 là tiến sĩ kinh tế, ông Đạt Nam có 3 con là bác sĩ, ông Bá Văn Trinh có 6 người con thì 3 đại học, 1 thạc sĩ, 2 cao đẳng…Bản thân gia đình ông Phú Văn Điền cũng có 4 người con là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên.

Ông Đàng Năng Trỗ tâm sự: “Trước đây, cả nhà dựa vào một sào ruộng, rồi chăn nuôi thêm heo nái, cuộc sống tuy cũng khó khăn những vẫn cố gắng để có tiền lo cho con đi học. Thương ba mẹ nên đứa nào cũng lao đầu vào học và đạt thành tích tốt. Bây giờ các con thành đạt cả, mình cũng thấy an nhàn”.

Nhằm khuyến khích phong trào học tập của con em, các tộc họ trong làng còn thành lập các quỹ khuyến học để hàng năm khen thưởng, động viên các học sinh có thành tích xuất sắc.

Học sinh trường Tiểu học Hữu Đức luôn đề cao truyền thống hiếu học
Học sinh trường Tiểu học Hữu Đức luôn đề cao truyền thống hiếu học

22 tộc họ ở Hữu Đức đều có quỹ khuyến học. Kết thúc năm học, các tộc đều tổ chức lễ phát thưởng với mức 200.000 đồng, 150.000 đồng, 100.000 đồng cho các em đậu đại học, tốt nghiệp THPT và đạt danh hiệu học sinh giỏi đã thực sự khuyến khích các em cố gắng để nhận thưởng. Ngoài ra các em đậu đại học và những em có thành tích xuất sắc còn nhận quà của thôn, xã và quỹ khuyến học thanh thiếu niên của cựu sinh viên Hữu Đức.

Bí quyết học giỏi của các em chủ yếu là nhờ tự học, học nhóm, số học thêm không nhiều. Gia đình ít khi sai các con làm việc nhà để tập trung việc học cho tốt. Nếu không đỗ đại học, thì sẽ tiếp tục thi lại.

Thầy Hán Đại Quỳnh, giáo viên dạy tiếng Chăm, trường Tiểu học Hữu Đức cho biết: Đa số học sinh của trường là người Chăm. Dù nhiều gia đình còn có khó khăn, nhưng cha mẹ các em đều tạo điều kiện tốt cho các em đi học đầy đủ. Các em học rất chăm chỉ, ngoài buổi học chính, hầu hết các em đều tự học chứ không học thêm nhiều.

Ông Điền tâm sự: “Người Chăm có truyền thống hiếu học. Bên cạnh đó, các gia tộc trong làng đều có quỹ khuyến học nhằm động viên, khuyến khích các cháu học tập. Vì thế, tinh thần hiếu học luôn được nhân rộng”.

Nguyên Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khu vực trung tâm TP Vĩnh Yên.

Giá đất mới của Vĩnh Phúc tăng mạnh

GD&TĐ - Bảng giá đất mới do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành có hiệu lực từ ngày 20/1/2025, tăng mạnh và dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.