Liều mạng săn cá mập ở Long Hải

GD&TĐ - Không xôm tụ như “thủ phủ” cá mập ở các tỉnh miền Trung, nhưng ở vùng Đất Đỏ, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, nhiều ngư dân vẫn còn đeo đuổi nghề câu cá mập. Dù lợi nhuận nghề này mang lại cực cao nhưng đây là một trong những nghề mưu sinh trên biển liều lĩnh và nguy hiểm nhất.

Các ngư dân trên loại ghe săn cá mập
Các ngư dân trên loại ghe săn cá mập

Vào “mùa” săn mập

Theo những ngư dân làm nghề câu lâu đời ở vùng Phước Tỉnh, Phước Trung, Long Hải (huyện Long Điền) thì mùa săn bắt cá mập khoảng 6 tháng, từ dịp Tết cho tới quãng mùa hè. Thời gian này, vùng biển ngoài khơi Côn Đảo, Phú Quý... xuất hiện nhiều luồng cá nhỏ.

Cá mập theo về săn mồi và trở thành mục tiêu sinh kế của ngư dân. Ông Nguyễn Văn Dưỡng, 67 tuổi, ở thị trấn Long Hải (Long Điền) là một người có nhiều năm gắn bó với nghề câu khơi ngoài biển, hồi tưởng lại: “Cá mập chủ yếu sinh sống quanh các hòn đảo như Phú Quý, Côn Đảo, Trường Sa... Đó là các loại cá mập bông, cá mập gù, cá mập xanh, mập bò..., chúng thường đi theo nhóm vài con, có khi tới cả chục con.

Sinh nghề tử nghiệp

Tuy nhiên, con người có thể vừa là kẻ đi săn, vừa là kẻ bị săn và sinh vật đủ sức săn được con người lại chỉ có thể là... cá mập. Chúng không chỉ nguy hiểm mà có thể đoạt mạng người bất kể lúc nào, ngay cả khi đã nằm trong... khoang thuyền.

Nhiều ngư dân ở cảng cá Hải Hà (thị trấn Long Hải, Long Điền) kể rằng, đã có rất nhiều ngư dân, nhất là ngư dân trẻ, lần đầu đi câu khơi đã gặp phải những tai nạn nhớ đời, có khi phải bỏ nghề. Đó là việc coi thường cá mập, khi thấy chúng bị mắc câu, mắc lưới, thậm chí bị cắt vây, đuôi nên tưởng chúng chết rồi nhưng không ngờ chúng tỉnh dậy, chỉ cần một cú táp đủ khiến tay chân nạn nhân đứt lìa. Anh Hạnh, một ngư dân, kể, trước kia cha anh từng bị cá mập táp khi đã đưa nó lên ghe, dù được sơ cứu kịp thời nhưng vẫn liệt một bàn tay phải. Sau đó, ông buộc phải bỏ công việc trên biển, làm nghề vá lưới ở làng chài.

Ông đã giữ lại bộ hàm của con cá mập đã cắn mình, không chỉ để làm kỷ niệm mà còn kể cho con cháu sau này biết về săn cá mập, như một bài học xương máu để phòng tránh. Và thực ra, chuyện những ngư dân làm nghề săn cá mập lâu năm giữ lại “chiến lợi phẩm” của loài hung thần này không hiếm bởi việc săn được một con cá mập gần như một “chiến công”. Thế nhưng, cũng có rất nhiều ngư dân mãi mãi nằm lại nơi đại dương sâu thẳm. Có thể, có người còn nằm trong bụng cá mập, sau những tai nạn kinh hoàng của những đêm săn cá mập giữa mênh mông đại dương.

Một chiếc hàm cá mập

Một chiếc hàm cá mập

Mai một nghề câu

Hiện tại, cá mập khá khan hiếm ở vùng biển ngoài khơi, khiến những ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu gắn bó với nghề này, phải đi xa hơn nữa, thậm chí ra cả vùng lãnh hải quốc tế. Tuy nhiên, phương thức đánh bắt được hỗ trợ bởi những công cụ hiện đại như máy dò cá, máy định vị hay máy chiếu, tầm xa... Ngoài câu, họ có thể sử dụng lưới vây, lưới quét để bắt cá. Bắt được cá mập rồi, ngư dân có lưới chuyên dụng để đưa cá mập lên ghe.

Ngồi ở cảng cá Long Hải vào một chiều cuối năm, nhìn chiếc ghe hơn trăm mã lực của ông Son cùng hơn chục thủy thủ đang chuẩn bị những nhu yếu phẩm thiết yếu cho chuyến đi cuối cùng trong năm, chúng tôi thấy mọi người bắt đầu hồ hởi nhắc về cá mập. Bây giờ, cũng là mùa mà cá mập bắt đầu xuất hiện nhiều ở khu vực biển miền Đông, nhưng cũng như vài năm trở lại đây, không ngư dân nào chắc chắn có thể săn được cá mập vì chúng đang ngày một ít đi. Ngay cả khi đã được thương lái “đặt hàng” trước, những ghe này cũng phải di chuyển nhiều hơn, ra những vùng biển xa hơn mới hy vọng gặp được những con cá mập đạt yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.