Noi gương Bác Hồ, nữ sinh Trâm Anh đến từ huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) đã nỗ lực tự học, tìm kiếm tài liệu và giành giải Khuyến khích cuộc thi này.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Với 300 điểm tuyệt đối, Vũ Thị Kim Oanh - học sinh lớp 12A2, Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên) đoạt giải Nhất bảng A dành cho học sinh tại cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2025.
Chia sẻ cảm xúc khi giành giải cao nhất cuộc thi năm nay, Oanh cho biết: Để có được kết quả tự hào này, em luôn đặt mục tiêu tích lũy kiến thức, kỹ năng phẩm chất, đạo đức lên hàng đầu với mong muốn trau dồi bản thân trở thành người tốt.
Cũng theo Kim Oanh, cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất ý nghĩa, qua đó, thế hệ trẻ tự hoàn thiện mình, hướng tới lối sống tích cực. Những lời chỉ bảo của Bác sẽ là hành trang cho lớp trẻ noi theo.
Cuộc thi còn giúp học sinh, sinh viên khắp mọi miền Tổ quốc gắn kết với nhau. Các tài liệu liên quan là nguồn tư liệu quý để các trường tích hợp trong giảng dạy. Lễ tổng kết giúp thí sinh xuất sắc của các tỉnh khám phá nhiều hơn nét đẹp văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Để đạt thành tích này, Kim Oanh nhận được sự hỗ trợ của thầy, cô giáo Trường THPT Tức Tranh. Đặc biệt cô Đào Thị Thuận - giáo viên chủ nhiệm đã dìu dắt, bồi dưỡng em trong thời gian tham gia các vòng thi. Hội khuyến học nhà trường đã thưởng nóng trước khi em nhận giải tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Tức Tranh chia sẻ: Với sự hiểu biết sâu sắc, tinh thần trách nhiệm và ý chí học tập, Kim Oanh đã vượt qua nhiều thí sinh tài năng để mang về niềm tự hào cho bản thân, gia đình, thầy cô và nhà trường.
Là ngôi trường mới thành lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhưng những năm vừa qua, thầy trò đạt nhiều thành tích nổi bật trong các cuộc thi học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đại trà không ngừng nâng lên. Có được thành tích này bởi nhà trường đã phát động sâu rộng phong trào học tập theo đạo đức, phong cách của Bác.
“Nhà trường ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của em Vũ Thị Kim Oanh, đồng thời mong muốn học sinh toàn trường tiếp tục phát huy tinh thần học tập, noi theo tấm gương Bác Hồ để trở thành những công dân ưu tú. Với thành công ban đầu, mong Oanh tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong học tập và cuộc sống”, cô Hòa chia sẻ.
Là người theo sát Kim Oanh trong quá trình dự thi, cô Đào Thị Thuận cho biết: Oanh có thành tích học tập xuất sắc, từng đoạt giải Khuyến khích thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Nhờ những kinh nghiệm trong các kỳ thi trước, cô đã giúp Oanh học tập, nghiên cứu tài liệu để có kiến thức sâu rộng, sẵn sàng bước vào cuộc thi.

Nữ sinh Ngoại thương yêu lịch sử
Tại bảng thi dành cho sinh viên, Nguyễn Minh Anh - sinh viên năm 4 chương trình Chất lượng cao, Khoa Kinh tế đối ngoại (Trường Đại học Ngoại thương) trở thành thí sinh xuất sắc nhất. Trước đó, Minh Anh giành nhiều giải tại các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử và cuộc thi Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp trường.
Dù học chuyên ngành Kinh tế, nhưng nữ sinh Ngoại thương luôn yêu thích môn Lịch sử, dành thời gian đi tham quan các di tích ở khắp mọi miền Tổ quốc. Minh Anh đặc biệt hứng thú khi học các môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Những môn này không khô khan chút nào, bởi ngoài kiến thức trong sách vở, em được thầy cô kể thêm các câu chuyện, sự thật thú vị hoặc xem các thước phim sống động. Vì vậy, em càng đam mê hơn để tự nghiên cứu, tìm tòi lịch sử dân tộc. Em như được truyền thêm tình yêu quê hương, đất nước, động lực phấn đấu qua mỗi trang sử hào hùng của dân tộc”, Minh Anh chia sẻ.
Từ nhỏ tới lớn, nữ sinh quê Nghệ An luôn nỗ lực học tập, tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và đạt giải. “Từ cô bé ở huyện lên thành phố học trường chuyên của tỉnh, rồi ra Thủ đô, mang theo bao hy vọng của bố mẹ. Vì vậy, em luôn ý thức phải nỗ lực, cố gắng”, Minh Anh bộc bạch.
Bên cạnh đó, Minh Anh tìm kiếm những cơ hội để thể hiện điểm mạnh của bản thân, đó là tình yêu với lịch sử và văn hóa dân tộc. Sự nỗ lực theo đuổi đam mê của Minh Anh đã cho kết quả ngọt ngào. Năm 2023, Minh Anh là đại diện duy nhất của Trường Đại học Ngoại thương tham dự Vòng chung kết cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đoạt giải Ba chung cuộc. Cũng trong năm này, Minh Anh xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.
“Đạt những giải thưởng đó, em cho phép bản thân được tự hào vì một hành trình dài nỗ lực, nhưng cũng không ngủ quên trên chiến thắng. Em sẽ tiếp tục khẳng định bản thân ở những lĩnh vực mới”, Minh Anh nói.
Kể về cuộc thi năm nay, Minh Anh chia sẻ, trong quá trình tham gia cuộc thi, em đã gặp không ít khó khăn về việc sắp xếp thời gian ôn tập và tổng hợp kiến thức. Nhưng điều đó không làm em nản chí. Em đã biến những thách thức đó thành động lực để bản thân tiếp tục cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức tham gia cuộc thi.
Càng tìm hiểu về cuộc đời cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Minh Anh càng kính yêu và tự hào về Bác. Điều đó khơi dậy trong em mong muốn học tập, phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Đó còn là bài học về tinh thần “đoàn kết vững bền như khối sắt”, là tình yêu thương con người mênh mông vô tận “Ôm cả non sông mọi kiếp người” của Bác.

Noi theo tấm gương tự học của Bác
Mặc dù chỉ đoạt giải Khuyến khích, nhưng đây là lần đầu tiên huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) có một học sinh đặt chân vào Vòng chung kết quốc gia của cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Nữ sinh Nguyễn Thị Trâm Anh học lớp 7A Trường THCS Tiền Phong tham gia cuộc thi với mục tiêu chỉ để thử sức mình, thế nhưng, cô bé lần lượt vượt qua các vòng thi đầu tiên, rồi bất ngờ lọt tốp đầu của Nghệ An, giành suất dự thi chung kết.
“Làm xong bài thi trực tuyến, điểm số báo về là 250, nhưng em chưa dám chắc có đoạt giải hay không. Sau đó được Ban tổ chức thông báo giành giải Khuyến khích quốc gia, em mừng quá báo tin ngay cho bố mẹ, thầy, cô giáo. Đây là cuộc thi đầu tiên mà em có thành tích cao như vậy”, Trâm Anh nói.
Đồng hành cùng Trâm Anh trong cuộc thi này là cô chủ nhiệm và giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Tiền Phong. Theo cô Lê Thị Thúy Vinh - giáo viên Tổng phụ trách Đội, cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có ý nghĩa đặc biệt với học sinh Nghệ An - quê hương của Người.
Những năm qua, nhà trường giao cho giáo viên phổ biến thể lệ, quy chế và khuyến khích học sinh các lớp tham gia. Tuy nhiên, học sinh của trường phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, vất vả nên ít có máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Đặc thù trường miền núi cao mạng Internet chập chờn nên khi dự thi nhiều em không kịp thao tác làm bài. Phần lớn các em dừng lại sau 1 - 2 vòng thi đầu tiên, chỉ riêng Trâm Anh xuất sắc lọt vào vòng quốc gia.
Nói về học trò của mình, cô giáo chủ nhiệm lớp 7A Hoàng Thị Thanh Thái cho hay, Trâm Anh chăm chỉ, ngoan ngoãn, có ý thức tự giác, tự học cao, luôn giúp đỡ bạn bè trong học tập. Đây là điểm ấn tượng so với phần lớn học sinh lứa tuổi này, nhất là ở vùng cao còn rất thụ động trong học tập, thầy cô phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở từng li từng tí.
“Với Trâm Anh, khi tham gia cuộc thi này, em chủ động trong tìm hiểu kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách Hồ Chí Minh. Là giáo viên chủ nhiệm, chuyên môn giảng dạy Lịch sử, nhưng tôi không có nhiều thời gian chỉ dẫn trực tiếp cho em.
Tôi chỉ thường xuyên động viên, khích lệ và gửi cho em một số tài liệu tham khảo. Vì vậy, khi Trâm Anh đi đến vòng chung kết quốc gia, dù giải Khuyến khích còn khiêm tốn so với nhiều học sinh cả nước nhưng đã là kỳ tích và niềm tự hào của gia đình em, giáo viên, và trường vùng cao Tiền Phong”, cô Hoàng Thị Thanh Thái chia sẻ.
Hoàn cảnh gia đình Trâm Anh không khá giả, bố mẹ là lao động tự do, nhưng luôn cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Góc học tập ở nhà của em được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp, trong đó “tài sản giá trị” nhất là chiếc máy tính xách tay cũ mà chị gái sau khi đậu đại học tặng lại cho em. Cũng nhờ chiếc máy tính kết nối mạng Internet này, đã phục vụ đắc lực cho cô học trò vùng cao tìm kiếm được thêm nhiều tài liệu phong phú.
Nữ sinh Trường THCS Tiền Phong chia sẻ thêm, từ nhỏ em đã thích đọc những câu chuyện về Bác Hồ. “Tham gia cuộc thi, em cũng học được nhiều điều ý nghĩa từ lối sống, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, em thích nhất là câu chuyện tự học của Bác. Vì vậy, noi gương Bác Hồ em cũng nỗ lực tự học, chăm chỉ để đạt kết quả học tập tốt. Mục tiêu của em sau này là đậu vào đại học giống chị gái”, Trâm Anh bày tỏ.
Minh Anh chia sẻ: Thuộc thế hệ Gen Z, em luôn tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Em hy vọng có thể đóng góp một phần sức lực của bản thân để khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay. Em mong các bạn trẻ tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.