Chiều 5/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu (quy đổi là gần 1,6 triệu đơn vị máu 250ml). Trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu (quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu). Tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.
Nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước, từ ngày 4-6/6, tại Hà Nội và Phú Thọ, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh như: Gala "Về miền đất Tổ”, dâng hương các vua Hùng, gặp mặt lãnh đạo Chính phủ, lễ báo công dâng Bác và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (sáng 6/6)... Trọng tâm của chuỗi hoạt động là Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc diễn ra vào ngày 6/6 tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, bên cạnh những người đã hiến máu hàng chục lần (người hiến nhiều nhất là 70 lần), ban tổ chức cũng đã lựa chọn tôn vinh những người hiến máu nhóm máu hiếm như: ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Nhóm máu hiếm khu vực Hà Nội – hiến máu 15 lần, ông Lâm Văn Vinh – thành viên CLB Nhóm máu hiếm TPHCM– hiến máu 44 lần.
Những người là thành viên Câu lạc bộ hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo như ông Võ Phong Hầu, CLB hiến máu dự bị huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và ông Hoàng Xuân Thủy, CLB hiến máu dự bị huyện đảo Cát Hải, TP. Hải Phòng…
Một tấm gương hiến máu tiêu biểu được tôn vinh trong năm 2019. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc gặp, ông Trần Thanh Long (60 tuổi, TPHCM) bày tỏ dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn mong muốn được tiếp tục hiến máu và tiếp tục vận động, làm gương cho con cháu, các bạn trẻ và mọi người cùng tham gia vào phong trào rất nhiều ý nghĩa này.
Bạn Đào Minh Trang, (28 tuổi, TP. Đà Nẵng) là người đã hiến máu 57 lần và tham gia vận động nhiều bạn thanh niên tham gia hiến máu. Bạn Trang cho biết chính cha mình là người truyền cảm hứng làm thiện nguyện, công tác xã hội trong đó có hiến máu nhân đạo. “Phong trào hiến máu nhân đạo phát triển mạnh mẽ nhưng nhu cầu sử dụng máu điều trị còn cao hơn nữa. Chúng ta cần có thêm các phương pháp truyền thông, truyền cảm hứng tốt hơn cho mọi người, đặc biệt là các bạn thanh niên, rèn luyện, giữ gìn sức khoẻ và tích cực tham gia vào phong trào hiến máu nhân đạo”, bạn Trang chia sẻ với các đại biểu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá phong trào hiến máu tình nguyện đã thu hút nhiều người tham gia và mang lại những hiệu quả rất rõ rệt.
“Phong trào hiến máu nhân đạo không chỉ là vấn đề y tế, cứu người mà mỗi giọt máu cho đi còn mang theo tình cảm giá trị, tốt đẹp yêu thương con người. Những người có tấm lòng hiến máu chắc chắc sẽ vượt lên tất cả để đem tình thương, lòng nhân ái, lan toả những giá trị tốt đẹp trong từng con người”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các tấm gương hiến máu tiêu biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, dành sự quan tâm, đầu tư để cải thiện đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thời gian qua, ở nhiều địa phương do sức ép kinh tế mà “bỏ quên” các vấn đề môi trường, văn hoá, xã hội. Vì vậy, nhiều lúc, nhiều nơi có nhiều việc tốt đẹp, tử tế lại bị coi là không bình thường và nhiều hành vi, thái độ không tốt lại trở thành đương nhiên.
Đây là căn bệnh chung của các nước đang phát triển. Thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa-xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được, thậm chí có thể dẫn tới đổ vỡ.
“Để khắc phục những bất cập này cần khơi dậy những giá trị tốt đẹp như phong trào hiến máu nhân đạo, từ những tấm gương hiến máu tiêu biểu. Chúng ta phải kết nối, lan toả những điều tốt đẹp.
Mỗi người hãy làm tốt nhất trong khả năng có thể của mình, từng ngày một, để cái tốt được nhân lên, cái xấu bị đẩy lùi. Làm sao để Việt Nam dù không giàu như các nước nhưng mỗi người dân đều được sống trong một xã hội hoà bình, yên lành, trong tình cảm tốt đẹp, yêu thương của con người”, Phó Thủ tướng mong muốn.