Lan tỏa nghị lực 'thép'của học trò nghèo mắc ung thư

GD&TĐ - Nằm trên giường bệnh với những cơn đau kéo dài, Nguyễn Mạnh Hiếu vẫn gọi điện cho cô với mong ước sức khỏe ổn định, lại được tới trường đi học…

Cô Đinh Thị Hảo - giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang, Bắc Giang).
Cô Đinh Thị Hảo - giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang, Bắc Giang).

Đó là những lời tâm sự của cô Đinh Thị Hảo - giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang, Bắc Giang) khi nhớ về cậu học trò chưa bao giờ thôi hy vọng, tin tưởng sẽ chiến thắng bệnh tật suốt 5 năm qua. Hành trình ấy được cô Đinh Thị Hảo đặt tên “Định Mệnh”, được gửi gắm trong bài dự thi “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2022 với tiêu đề “EM”.

Trong đau đớn chỉ mong được đi học

Trước khi trở thành giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ, cô Đinh Thị Hảo từng là giáo viên Trường THCS Phương Sơn (từ năm 2009 – 2019). 22 năm trong nghề “bụi phấn”, cô Hảo chèo lái biết bao chuyến đò cập bến tri thức thuận lợi. Có lẽ hành trình ấy vẫn tiếp tục như thế đến năm học 2016 -2017, cô chủ nhiệm kiêm dạy Ngữ văn lớp 9B và gặp được Nguyễn Mạnh Hiếu – học sinh không may mắc ung thư chuỗi hạch.

“Cũng giống như bao ngày khác, tôi bước vào lớp, tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy, ngày 3/1/2017 dương lịch, cũng là ngày các em vừa được nghỉ Tết.

Điểm danh xong, tôi thấy lạ khi không thấy sự có mặt của Hiếu với lý do nghỉ ốm. Hai ngày, ba ngày trôi qua vẫn không thấy em đến lớp .Và rồi, tôi và các em học sinh trong lớp như chết lặng khi biết Hiếu mắc căn bệnh hiểm nghèo – ung thư chuỗi hạch…” cô Hảo nghẹn ngào nhớ lại.

Cô Hảo bày tỏ, nếu như hầu hết các bạn học sinh khi mắc bệnh, đều nghỉ học để chiến đấu với “tử thần”. Nhưng với Hiếu thì khác, trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, em vẫn mạnh mẽ, vẫn quyết tâm học tập trong quá trình trị bệnh. Khi đi trị xạ tại Bệnh viện K, Hiếu mang theo sách vở học bài với mơ ước nhỏ nhoi chạm tay đến cánh cửa trường THPT.

Ngày biết mình bị bệnh, Hiếu gọi điện cho cô Hảo và hỏi cô rất nhiều “Cô ơi, em có được đi học cùng các bạn nữa không? Cô ơi làm sao em có thể thi được lớp 10 nếu em phải nằm viện điều trị...” Lần đầu tiên, cô Hảo cảm thấy bất lực như thế bởi trước giờ câu hỏi nào của học sinh cô cũng giải đáp được. Nhưng với câu hỏi của Hiếu cô chỉ biết lặng im, cố giấu nước mắt.

“Đó là khoảng thời gian mà cô trò chúng tôi tràn ngập trong nước mắt mỗi khi nghĩ đến gương mặt, chỗ ngồi ấy. Tôi đã từng ước giá như có một phép màu, giá như có một điều ước thì tôi sẽ cầu mong cho em được bình an…” cô Hảo tâm sự.

Trên cương vị giáo viên, cô Hảo cũng là một người mẹ. Hơn ai hết cô hiểu và thương xót cho Hiếu. Trong chuỗi ngày phải điều trị trị xạ, cô Hảo và các thầy cô khác tại Trường THCS Phương Sơn vừa động viên, vừa dạy học trực tuyến cho Hiếu qua zalo, facebook.

Cô Đinh Thị Hảo cùng học trò Trường THCS Phương Sơn năm học 2016 -2017. (Ảnh TL).
Cô Đinh Thị Hảo cùng học trò Trường THCS Phương Sơn năm học 2016 -2017. (Ảnh TL).

Nỗ lực của cô trò cuối cùng cũng đến ngày gặt quả, nhưng chưa “mùa gặt” nào cô Hảo lo lắng đến thế. Vừa chuẩn bị hồ sơ thi cho Hiếu, cô Hảo vừa trăn trở “Nếu cố gắng của Hiếu không được đền đáp thì sao? Em sẽ suy sụp và không còn nghị lực để đi tiếp trên con đường ấy…”. Tuy vậy, cô vẫn sẵn sàng cùng Hiếu vượt qua.

Kết quả thi THPT, Hiếu đạt 33 điểm, thừa đến 2 điểm, cả cô và trò vỡ òa trong hạnh phúc. Khoảnh khắc Hiếu biết điểm, cô Hảo mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Vượt qua số phận

Nguyễn Mạnh Hiếu sinh ra trong gia đình nghèo có 2 anh em, bố mẹ đều làm công nhân. Không vì hoàn cảnh khó khăn mà nản lòng, Mạnh Hiếu luôn chăm chỉ học tập và được bầu giữ chức lớp trưởng. Cũng bởi hoàn cảnh, cô Hảo luôn quan tâm chăm sóc và động viên Hiếu học tập như một người mẹ.

Trải qua 3 năm THPT, Hiếu nỗ lực để bước tiếp đến cánh cửa giảng đường đại học. Hiện tại, Hiếu đang là sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội. Trên hành trình ấy, cô Hảo vẫn luôn dõi theo và động viên Hiếu.

Ngoài giờ trên lớp cô Đinh Thị Hảo luôn gần gũi, chia sẻ với học trò.
Ngoài giờ trên lớp cô Đinh Thị Hảo luôn gần gũi, chia sẻ với học trò.

Hưởng ứng cuộc thi “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” chào mừng kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức, cô Hảo trở lại thăm gia đình Hiếu và dự định viết về em với mong muốn lan tỏa tinh thần vươn lên trong học tập cho tất cả thế hệ học sinh.

Tới thăm, cô Hảo nhận thêm một tin xấu, bố Hiếu vừa ra đi do đột tử. Gánh nặng cuộc sống giờ dồn hết lên vai mẹ Hiếu, vừa nuôi em trai vừa chữa bệnh cho Hiếu. Tuy vậy, Mạnh Hiếu không ngừng cố gắng trong học tập với tinh thần “Sống được ngày nào nỗ lực học tập ngày đó, không bao giờ bỏ hy vọng chiến thắng bệnh tật”.

“Tôi và Hiếu thường xuyên gọi điện tâm sự với nhau. Vừa qua, em có gọi báo tuyến hạch vẫn phát triển. Nỗi đau thể xác và tinh thần là rất lớn nhưng Hiếu vẫn nói với tôi rằng em khỏe, em vẫn học tốt…Dù biết, đôi khi đó là những lời động viên ngược lại cô…” cô Hảo chia sẻ.

Hình ảnh lưu niệm của cô Đinh Thị Hảo cùng học trò.

Hình ảnh lưu niệm của cô Đinh Thị Hảo cùng học trò.

Với tình cảm của người thầy, người mẹ thứ hai của Hiếu, cô Đinh Thị Hảo đã viết lại cuộc hành trình chiến đấu mạnh mẽ với tử thần của Nguyễn Mạnh Hiếu. Với bài dự thi “EM”, cô mong muốn lan tỏa tinh thần vươn lên trong học tập cho tất cả thế hệ học sinh hiện nay.

“Với Hiếu tôi luôn trăn trở rất nhiều, bạn ốm đau, nhà lại nghèo, bố vừa mất được 49 ngày. Trong 22 năm, đi dạy nhiều năm chưa gặp bạn nào hoàn cảnh đáng thương như thế. Tôi mong muốn có nhiều tấm lòng hảo tâm có thể chung tay giúp đỡ gia đình Hiếu vượt qua chặng đường đầy chông gai này.” cô Hảo bày tỏ.

Đến với cuộc thi viết về “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2022, cô Đinh Thị Hảo mong muốn tri ân toàn thể cán bộ giáo viên trên cả nước. Đồng thời, chia sẻ về tấm gương vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong học tập. Từ đó, truyền thêm “ngọn lửa” tinh thần hiếu học cho thế hệ học sinh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ