Lan tỏa mô hình hay bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Gắn bảo vệ môi trường với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực là giải pháp được nhiều trường học ở Điện Biên triển khai.

Mô hình thu gom rác thải nhựa của học sinh Trường THCS Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng (Điện Biên).
Mô hình thu gom rác thải nhựa của học sinh Trường THCS Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng (Điện Biên).

Từ đó, biến ý thức, trách nhiệm với môi trường trong mỗi học sinh thành những hành động cụ thể.

Đa dạng sân chơi trải nghiệm

Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) vừa tổ chức cuộc thi “Thời trang của bé”. Điều thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh đó là nguyên liệu để thiết kế trang phục đều được tái chế từ rác thải.

Cô Nguyễn Thị Huyền, Tổng phụ trách Đội nhà trường, cho biết: Tham gia cuộc thi, mỗi lớp trình diễn một bộ sưu tập thời trang. Trong đó, sản phẩm sử dụng đa dạng chất liệu tái chế, như giấy vụn, sách báo cũ, vỏ chai nhựa, túi nilon…

Vừa thiết kế, học sinh đồng thời biểu diễn và thuyết minh về chủ đề trang phục do lớp mình lựa chọn. Chương trình được xây dựng với mục đích tạo ra sân chơi thiết thực, tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi em.

“Không chỉ hoàn thành mục tiêu đặt ra, chương trình đã thành công khi thu hút được sự tham gia đầy hào hứng của học sinh. Các em đều mong muốn có nhiều sân chơi tương tự. Ngoài ra, phụ huynh cũng đồng hành và ủng hộ nhiệt tình con em mình”, cô Huyền chia sẻ và cho biết, đây không phải là hoạt động duy nhất trong năm học liên quan đến nội dung này. Trên thực tế, hằng tháng, nhà trường tổ chức một hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm. Trong đó, đều có lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh.

Còn tại Trường Tiểu học Ẳng Cang (huyện Mường Ảng), cuộc thi “Tái chế rác thải nhựa” cũng tạo ra phong trào thi đua đầy hào hứng. Tại mỗi lớp, học sinh được chia thành các tổ, nhóm. Các em cùng nhau lên ý tưởng, gom nhặt rác thải tái chế, rồi cắt, vẽ, thiết kế ra sản phẩm trang trí, đồ dùng hữu ích.

“Chúng em nhặt vỏ chai, lọ, lon nước ngọt, hộp bìa carton… bỏ đi. Những thứ này gia đình nào cũng có, nếu thải ra môi trường thì gây hại rất lớn. Nhưng khi chúng em sáng tạo lại thành các sản phẩm rất thú vị. Chúng có thể làm hộp đựng đồ, đựng bút, chậu hoa, vật trang trí… Em thấy hoạt động này hết sức ý nghĩa”, em Lò Bảo Nhi, lớp 4A2 tâm sự.

Những cuộc thi tương tự cũng được phát động, tổ chức hằng năm tại Trường Mầm non Tả Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Hương, với quan điểm giáo dục ý thức ngay từ nhỏ nên đơn vị đã đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình, kế hoạch nhà trường. Nội dung trên được lồng ghép vào tiết học, hoạt động trải nghiệm…

Học sinh Trường Tiểu học Ẳng Cang, huyện Mường Ảng hưởng ứng cuộc thi “Tái chế rác thải nhựa”.

Học sinh Trường Tiểu học Ẳng Cang, huyện Mường Ảng hưởng ứng cuộc thi “Tái chế rác thải nhựa”.

Tiếng trống bảo vệ môi trường

Tại Trường THPT Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ), giáo viên và học sinh đã quen với tiếng trống lao động vào chiều thứ 7 hằng tuần. Đã thành thông lệ nhiều năm qua, mỗi khi hồi trống đặc biệt này vang lên, ngôi trường lại nhộn nhịp hoạt động quét dọn trường lớp; chăm sóc cây xanh…

Các khối lớp được phân chia theo khu vực với nhiệm vụ cụ thể. Giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt đông đủ để làm vệ sinh cùng học trò; đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các em trong thực hiện phần việc của mình.

Chỉ sau chừng 30 phút, lá cây rụng quanh sân, mẩu giấy vụn hay vài cây cỏ giữa luống hoa… đều được dọn sạch. Rác thải được thu gom, phân loại đúng quy định. Học sinh Lò Khánh Linh, lớp 10A cho hay đã quen với tiếng trống lao động. Mỗi khi hồi trống vang lên, học sinh toàn trường đều nhanh chóng có mặt tại các vị trí phân công, tự giác thực hiện nhiệm vụ.

Tại huyện Mường Ảng, các trường học đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên phát động và triển khai hiệu quả phong trào “Nghìn việc tốt”, gắn với chủ đề bảo vệ môi trường. Từ đây, gần 100 công trình, phần việc măng non tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp ra đời.

Cụ thể như các hoạt động: Trồng và chăm sóc cây xanh, bồn hoa; lao động, vệ sinh trường, lớp, đường làng, ngõ xóm; vớt rác trên sông, suối bảo vệ nguồn nước. Các mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ thu gom, phân loại rác thải”; cuộc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường; thi tái chế rác thải nhựa… được tổ chức đều đặn.

“Các hoạt động đều thiết thực, ý nghĩa, gần gũi với cuộc sống, môi trường nên thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh trên địa bàn. Chỉ sau hơn 1 tháng phát động, phong trào đã huy động được hơn 9.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng trên toàn địa bàn tham gia. Qua đó lan tỏa ý thức vì môi trường không chỉ trong trường học mà toàn cộng đồng”, bà Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng cho hay.

“Công việc vệ sinh trường lớp hằng tuần/giờ không chỉ trở thành thói quen mà mỗi chúng em cũng tự thấy mình có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải. Đặc biệt là các loại vỏ bánh kẹo, giấy vụn, lon nước… sau khi sử dụng, em và các bạn đều ý thức phân loại, để đúng nơi quy định. Không gian trường lớp sạch đẹp, chúng em cảm thấy vui vẻ, thoải mái, tinh thần học tập tốt hơn”, em Lò Khánh Linh bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ