Lan tỏa 'cái đẹp' của điện ảnh

GD&TĐ - Câu lạc bộ Điện ảnh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang thực hiện sứ mệnh lan tỏa “cái đẹp” của điện ảnh đến thế hệ trẻ.

Buổi công chiếu bộ phim “The Lunchbox” với sự góp mặt của TS Monica Sharma (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekanada tại Việt Nam). Ảnh: CLBCC
Buổi công chiếu bộ phim “The Lunchbox” với sự góp mặt của TS Monica Sharma (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekanada tại Việt Nam). Ảnh: CLBCC

Câu lạc bộ Điện ảnh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đang cần mẫn trên con đường thực hiện sứ mệnh lan tỏa “cái đẹp” của nghệ thuật thứ bảy đến thế hệ trẻ.

Đa dạng hóa cách tiếp cận điện ảnh

TS Hoàng Cẩm Giang - Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học, người đã cùng đồng hành với câu lạc bộ từ thuở ban đầu chia sẻ: “Bên cạnh việc chiếu phim miễn phí thường kỳ, câu lạc bộ còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn về điện ảnh, nghệ thuật dành cho giảng viên, sinh viên trong trường và cộng đồng, nhất là với khán giả trẻ.

Mục tiêu của câu lạc bộ là đa dạng hóa cách tiếp cận điện ảnh cho đối tượng sinh viên và công chúng, giúp họ có cái nhìn cởi mở, phong phú hơn; Đồng thời hướng đến mở rộng quảng bá hoạt động xã hội, phục vụ văn hóa cộng đồng và bộ môn Nghệ thuật học”.

Một trong những hoạt động nổi bật nhất của câu lạc bộ là tổ chức chiếu phim miễn phí vào hàng tuần/tháng. Không gian phòng học điện ảnh kiêm phòng chiếu phim chuyên dụng (40 chỗ) có: Thiết bị chiếu phim; cách âm (âm thanh 5.0); đầu đọc Bluray, DVD; máy quay phim; thiết bị dựng phim; 2 máy tính có thiết bị ghi DVD và xem phim…

“Trong ba năm vừa qua, các thầy cô trong bộ môn là giám tuyển đã cùng câu lạc bộ tổ chức 20 tọa đàm khoa học về điện ảnh, nghệ thuật, nhằm nâng cao tri thức và thẩm mỹ cho sinh viên trong trường nói riêng, cho cộng đồng nói chung; động viên tinh thần mọi người trong giai đoạn dịch bệnh và sau dịch bệnh khó khăn. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao uy tín cho câu lạc bộ, giúp sinh viên trong trường và cộng đồng hiểu rõ hơn về môi trường đào tạo nhân văn của Khoa Văn học, của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”.

TS Hoàng Cẩm Giang - Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đối tượng tham gia những buổi chiếu phim này không giới hạn, dù là sinh viên trong trường hay trường khác, câu lạc bộ luôn chào đón nồng nhiệt. Các phim được tổ chức chiếu theo chuyên đề, mỗi chuyên đề 3 phim, là những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao, giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn. Sau mỗi buổi chiếu, câu lạc bộ sẽ dành 15 - 20 phút thảo luận cùng khách mời là các đạo diễn, biên kịch, các thầy cô giảng dạy bộ môn Nghệ thuật học...

Trong hơn 1.000 buổi chiếu phim đã được tổ chức, có thể kể đến buổi công chiếu bộ phim “The Lunchbox” để khép lại chuyên đề điện ảnh Ấn Độ. Buổi công chiếu không chỉ có sự tham gia thảo luận của những giảng viên trong trường, mà câu lạc bộ còn vinh dự được đón ThS Hoàng Dạ Vũ (Viện phó Viện Nghiên cứu Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội) và đặc biệt hơn là sự góp mặt của TS Monica Sharma (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekanada tại Việt Nam)…

Với nền tảng được xây dựng theo hướng đi học thuật và phát triển từ bộ môn Nghệ thuật học thuộc Khoa Văn học, câu lạc bộ cũng tổ chức các lớp biên kịch điện ảnh ngắn hạn cho sinh viên trong và ngoài trường, từ năm 2013. Qua đây, các thầy cô ban giám tuyển vừa muốn là nơi để truyền dạy kiến thức vừa là nơi để thầy trò cùng chia sẻ đam mê của mình, trao đổi kinh nghiệm, thậm chí tạo ra những dự án điện ảnh thú vị.

Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng có thư viện nhỏ mà lưu trữ khối lượng lớn tư liệu liên quan đến điện ảnh, bao gồm: 800 cuốn sách (giáo trình và sách chuyên đề), tạp chí, kịch bản; 2.000 đĩa phim (nước ngoài và Việt Nam); giáo trình dịch từ tiếng Anh đã được xuất bản và đưa vào giảng dạy từ 2005 về lịch sử, nghệ thuật điện ảnh, hướng dẫn viết phê bình, tự học viết kịch bản, nghiên cứu phim, văn học và điện ảnh…; giáo trình - bài giảng do cán bộ bộ môn Nghệ thuật học biên soạn/dịch: Nghệ thuật học đại cương, nhập môn nghệ thuật điện ảnh, điện ảnh Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn, điện ảnh Hollywood, lịch sử điện ảnh châu Âu, cải biên học…

Không chỉ thế, câu lạc bộ còn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và đồng tổ chức cùng bộ môn Nghệ thuật học các buổi thảo luận, hội thảo và các sự kiện liên quan đến điện ảnh có sức ảnh hưởng. Một số sự kiện nổi bật có thể được kể đến như: Hội thảo toàn quốc “Điện ảnh châu Á đương đại: những vấn đề lịch sử, mỹ học và phong cách” (2015); Hội thảo toàn quốc “Điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa: cơ hội và thách thức” phối hợp tổ chức cùng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (2016); Workshop “Ecocinema and ecocriticism in East Asia”, Harvard-Yenching Institute, Hoa Kỳ (2018); Tọa đàm “Khi F.M.Dostoevsky “đến” Việt Nam: du hành liên văn bản trong văn học và điện ảnh”; thuyết trình và tọa đàm “Khung chương trình Nghệ thuật học và Lịch sử nghệ thuật tại châu Âu: điểm nhìn từ Thụy Điển”…

Câu lạc bộ Điện ảnh giúp kết nối các cá nhân, các cộng đồng và đã cùng họ tạo nên những kỷ niệm vô cùng giá trị. Ảnh: CLBCC

Câu lạc bộ Điện ảnh giúp kết nối các cá nhân, các cộng đồng và đã cùng họ tạo nên những kỷ niệm vô cùng giá trị. Ảnh: CLBCC

Điểm tựa kết nối cộng đồng

Một trong những mục tiêu quan trọng của câu lạc bộ là kết nối những người yêu điện ảnh. Bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho giao lưu và hợp tác, câu lạc bộ khuyến khích sự tương tác giữa các thành viên, từ việc chia sẻ ý kiến đến khả năng hỗ trợ và cùng nhau thực hiện các cuộc thi viết, dự án điện ảnh.

“Câu lạc bộ là nơi chia sẻ về nghệ thuật, về sự chữa lành, trở thành không gian cho mọi người có thể đến đó tìm điểm tựa tinh thần thông qua cảm nhận cái hay, cái đẹp của những bộ phim. Có thể nói cùng với việc thưởng thức nghệ thuật điện ảnh, câu lạc bộ còn là điểm tựa kết nối cộng đồng”, TS Hoàng Cẩm Giang chia sẻ.

Câu lạc bộ Điện ảnh đã và đang xây dựng thành công Fanpage Facebook và thu hút hơn 10 nghìn người theo dõi với nội dung chia sẻ về những bộ phim hay, cuộc giao lưu, lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia nổi tiếng.

Bên cạnh đó, việc tổ chức những cuộc thi viết tương tác cùng sinh viên cũng là hoạt động hết sức được chú trọng. Đây không chỉ là hoạt động với ý nghĩa thúc đẩy các bạn trẻ tìm hiểu về điện ảnh, trau dồi khả năng sử dụng ngôn từ và cách diễn đạt, mà còn giúp câu lạc bộ thu hút thêm nhiều thành viên mới, tiếp cận nhiều hơn tới cộng đồng.

Như mới đây nhất, câu lạc bộ đã tổ chức “Cuộc thi viết về phim Ghibli: Những chân trời để lại” tri ân hành trình sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của đạo diễn Miyazaki Hayao suốt 38 năm cùng hãng phim Ghibli. Với nội dung gần gũi và phần thưởng đầy ý nghĩa, cuộc thi nhận được sự tham gia nồng nhiệt của các bạn trẻ và thậm chí đã phải gia hạn tham gia thêm một tuần.

Đối với các thành viên của câu lạc bộ, nơi đây đem lại sự gắn kết tinh thần và những trải nghiệm vô cùng đáng giá. Bạn Trà My, Trưởng nhóm câu lạc bộ Điện ảnh – sinh viên K65 Quốc tế học CLC, bày tỏ cơ duyên: “Tôi vô tình “gặp” câu lạc bộ khi đang loay hoay tìm nguồn tài liệu tham khảo để thi vào Sân khấu Điện ảnh. Tôi đã gặp những bài viết của cô Giang, những quyển sách từ cô Tuân ngay từ trước khi tôi thật sự biết đến câu lạc bộ. Hiện tại, tôi đã tham gia được khoảng 2 năm và chắc sẽ còn lâu hơn thế nữa”.

Câu lạc bộ cũng có một thư viện nhỏ nhưng lại lưu trữ một khối lượng lớn các tư liệu liên quan đến điện ảnh. Ảnh: CLBCC

Câu lạc bộ cũng có một thư viện nhỏ nhưng lại lưu trữ một khối lượng lớn các tư liệu liên quan đến điện ảnh. Ảnh: CLBCC

Trà My cũng chia sẻ, đối với bản thân, câu lạc bộ chính là “nhà”, là sự gắn bó vô cùng khăng khít cùng với những người bạn: “Câu lạc bộ Điện ảnh luôn là “buổi tham quan”, là nơi tôi luôn háo hức được đến, là nơi tôi biết bạn bè và mình sẽ có một ngày thật vui và hạnh phúc. Mọi người sẽ luôn dành thật nhiều tình thương cho nhau và cho điện ảnh, điều đã gắn kết chúng tôi lại với nhau”.

Bạn Hà Trang, sinh viên K66 Văn học cũng bày tỏ: “Các thành viên câu lạc bộ Điện ảnh thường nói rằng đây là nhà. Lúc đầu, tôi tự hỏi liệu có thể hòa hợp với mọi người như một gia đình hay không, nhưng giờ thì tôi thấy bản thân thật sự thuộc về nơi này. Tôi thấy thoải mái khi ở đây và học được nhiều kiến thức mới, trưởng thành hơn mỗi ngày. Điều kỳ diệu nhất là tình yêu điện ảnh đã giúp tôi có những người bạn mới mà bản thân mình rất trân quý”.

Hoạt động của câu lạc bộ cũng đã giúp các thành viên rèn luyện bản thân, và hơn hết là tạo nên những ký ức, kỷ niệm tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân. Bạn Thủy Tiên, sinh viên K64 Văn học, nhớ lại quãng thời gian tổ chức sự kiện trong điều kiện dịch Covid-19 đầy khó khăn: “Sự kiện đáng nhớ nhất về câu lạc bộ đối với tôi đó là khi tổ chức sự kiện “Chào tân sinh viên năm 2021”.

Thời điểm ấy, dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra căng thẳng, buộc phải tổ chức sự kiện online khi mà sinh viên vẫn chưa thể đến trường. Chúng tôi đã vô cùng lo lắng bởi đây là lần đầu tiên câu lạc bộ tổ chức sự kiện trực tuyến, biết bao vấn đề chực chờ giải quyết: Đường truyền, kỹ thuật chiếu phim, truyền thông, làm sao để thu hút tân sinh viên tham gia sự kiện… Các thành viên cũng không thể gặp mặt trực tiếp để lên kế hoạch, nên chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp căng thẳng kéo dài đến quá nửa đêm.

Cuối cùng, câu lạc bộ đã tổ chức sự kiện thành công rực rỡ, chúng tôi vỡ òa khi sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 người/tọa đàm. Qua đây, tôi học được nhiều hơn về tinh thần đoàn kết, cũng như các thành viên câu lạc bộ đều nhận ra rằng chỉ cần quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được tất cả”.

Văn phòng của câu lạc bộ Điện ảnh được đặt tại tầng 4 nhà I trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bao trọn cả tầng 4 với dãy hành lang rộng rãi và thoáng đãng, câu lạc bộ tổ chức 3 phòng chức năng riêng biệt: Phòng 401 (Thư viện), phòng 402 và phòng 403 (Phòng chiếu phim).

Câu lạc bộ Điện ảnh chính thức ra mắt vào năm 2008, tính đến nay đã có hơn 15 năm hoạt động. Đây là một kế hoạch nằm trong khuôn khổ dự án điện ảnh và phim do Quỹ Ford của Mỹ tài trợ với mục tiêu có thể xây dựng nên một môi trường mang đến kiến thức sâu sắc và đúng đắn về nghệ thuật, trở thành một địa điểm quảng bá phim ảnh và phục vụ học tập cũng như nghiên cứu điện ảnh chuyên sâu của sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.