Nguyên nhân hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Đây là lần thứ 3 cơ quan này thông báo hủy phiên đấu thầu vàng từ khi tổ chức đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm tạm ngưng.
Phiên đấu thầu dự kiến diễn ra lúc 9h sáng 3/5 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối; số lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng miếng SJC.
Giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép mua 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đặt thầu tối đa 20 lô (tương đương 2.000 lượng).
Lần gần nhất, ngày 25/4, NHNN đã phải hủy phiên đấu thầu dự kiến diễn ra trong ngày, cũng với lý do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Đến nay mới chỉ 1 phiên đấu thầu ngày 23/4 diễn ra theo kế hoạch với kết quả là 2 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng). Giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã có 4 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5. Tuy nhiên, chỉ có phiên đấu thầu ngày 23/4 diễn ra đúng kế hoạch.
Các phiên đấu thầu đáng lẽ diễn ra ngày 22 và 25/4 và 3/5 lần lượt bị hủy do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu.
Mở cửa sáng 3/5, giá vàng miếng SJC gần như đi ngang so với hôm qua. Tuy nhiên càng gần về giờ trưa, giá vàng miếng càng tăng nhanh.
Đến 11h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng, cao hơn tới 700.000 đồng một lượng so với hôm qua. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng giao dịch tại các đơn vị kinh doanh khác tăng với biên độ thấp hơn. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại 82,8 - 85 triệu đồng. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), mỗi lượng vàng được công bố 82,9 - 85,2 triệu đồng.