Đợt dịch mới bùng phát, tuy chỉ có vài ca F0, song cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động xây dựng lán “tác chiến” để ngăn dịch ngay từ ban đầu.
Mỗi bản là một “pháo đài”...
Những ngày này, bà con ở xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ đang trong không khí khẩn trương nhất, để sớm hoàn thành các “pháo đài” chống dịch. Họ tích cực dựng lán để đón công dân đi làm ăn xa trở về.
Những lao động từ nơi khác về địa phương sẽ phải ở lại để theo dõi sức khỏe và tự cách ly y tế, phòng, trừ dịch bệnh. Các gian nhà được dựng tạm bằng khung tre, quây bạt tránh gió lùa khi mùa đông buốt giá đang đến.
Tuy không quá rộng rãi, song mỗi gian cũng đủ cho một người đảm bảo sinh hoạt. Ở mỗi khu như thế đều được bố trí 2 phòng vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.
Ông Tao Văn Tim, Bí thư Chi bộ bản Nà Mười chia sẻ: “Ở đây rõ ràng là thiếu cơ sở vật chất hiện đại như ở dưới trung tâm thôi, chứ vật liệu tự nhiên thì khó gì. Tre chúng tôi đi lấy ở rừng về làm cột và đan liếp. Bạt với dây thép, nhà nào có thì mang đi, còn đâu thiếu thì cùng góp tiền để mua. Dù phải huy động cả về kinh tế nhưng bà con đều rất ủng hộ công việc chung của toàn xã”.
Khi trưởng bản triển khai chủ trương từ trên, chẳng ai bảo ai, mọi nhà đều có mặt đông đủ ở địa điểm dự kiến dựng lán. Các hộ sẵn sàng bỏ công, bỏ việc nương rẫy để đi làm. Kẻ góp của, người góp công, cứ thế mà khu cách ly đơn sơ sớm mọc lên như nấm.
Đầu tháng 11, xã Chà Tở đã thành lập được 5 khu cách ly tạm thời, với khoảng 40 gian phòng. Bà con ở các bản dự kiến mỗi bản sẽ dựng được chừng 10 lán tạm như thế để đón con em trở về.
Ông Tao Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Chà Tở cho biết: “Xã hiện có gần 100 công dân đi làm ăn và học tập ở địa phương khác. Vì vậy, khi có chủ trương từ huyện, chúng tôi đã vận động và hướng dẫn các bản.
Khi dân trở về có chỗ để theo dõi sức khỏe, tránh tiếp xúc với người thân, hạn chế để ảnh hưởng tới dân bản. Nhu yếu phẩm cung cấp cho người thân sẽ do gia đình chủ động. Hàng ngày, Trạm Y tế xã cử người theo dõi tình hình sức khỏe, lấy mẫu test, đo thân nhiệt… Nếu như sức khỏe ổn định, các mẫu xét nghiệm đều âm tính thì công dân sẽ được trở về nhà bình thường”.
Không riêng gì Chà Tở, các xã khác trên toàn huyện biên giới Nậm Pồ cũng đều dựng lán như một phong trào. Họ làm vậy bởi qua đợt dịch bùng phát hồi đầu tháng 5 vừa rồi, quanh đi ngoảnh lại chỉ nhìn thấy đau thương.
Theo thống kê từ cơ sở báo về huyện, hiện xã Nậm Khăn đã dựng mới được 50 phòng ở tạm. Còn ở Pa Tần, địa phương này cũng chuẩn bị được 16 điểm cách ly.
Ngoài việc dựng lán tạm, chính quyền xã Pa Tần còn huy động cả lán nương (lán để ở, theo dõi đàn gia súc trên nương), nhà dân, nhà văn hóa bản, điểm trường tại tất cả các bản. Bên cạnh đó, các xã: Chà Cang, Vàng Đán, Nà Hỳ, bà con cũng hoàn thành dựng lán “tác chiến” ở hầu hết các bản.
Giảm áp lực cho địa phương
Từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh Điện Biên bùng phát nhanh chóng. Kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên ở đợt dịch này, mỗi ngày, số ca nhiễm mới cứ thế tăng lên từng ngày.
Đến nay, địa phương này đã ghi nhận gần 400 bệnh nhân mắc Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nậm Pồ xác định những người đi từ vùng dịch về là những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch
Covid-19 huyện Nậm Pồ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Sự ra đời của những lán “tác chiến” xuất phát từ quan điểm trên. Bởi, chỉ có cách đó mới giảm được áp lực về nhân lực cũng như tài chính cho địa phương thuộc diện biên giới, nghèo nhất cả nước này.
Ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những người từ nơi khác trở về bắt buộc phải test kháng nguyên virus SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly. Ngoài ra, còn cả những trường hợp là F1, F2 của các bệnh nhân cũng phải đi cách ly theo quy định. Bởi thế, cho nên số lượng rất nhiều, cơ sở vật chất của huyện không đủ.
Chúng tôi buộc phải xây dựng mô hình lán cách ly ở từng bản. Nhân dân vừa có thể cách ly ở gần nhà, tiện cho gia đình chăm lo. Đồng thời, vừa giúp ban phòng, chống dịch dễ dàng kiểm soát số lượng và truy vết khi cần thiết”.