Theo các nghiên cứu mới nhất, sự kiện tuyệt chủng động vật có vú từ 126.000 năm trước có nhiều liên quan đến hậu quả tác động tiêu cực của con người hơn là với các yếu tố khí hậu. Điều tồi tệ hơn là, các tính toán cho thấy, những yếu tố liên quan đến con người có thể đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng. Tốc độ tuyệt chủng đang gia tăng.
“Trên cơ sở các xu hướng hiện hành, chúng tôi dự đoán rằng, trong tương lai không xa, tốc độ tuyệt chủng sẽ diễn ra trên quy mô chưa từng thấy” – nhà khoa học Tobias Anderman ở ĐH Goteborg (Thụy Điển), cho biết.
Sử dụng phương pháp suy luận thống kê Bayes, các nhà khoa học cố gắng đánh giá xem sự kiện tuyệt chủng động vật có vú trong vòng 126.000 năm gần đây (tức là từ đầu Thế Pleistocen muộn) có liên quan gì đến yếu tố nhân chủng học hay khí hậu. Trong thời gian này, có ít nhất 351 loài vật có vú bị tuyệt chủng, trong đó, khoảng 80% tuyệt chủng trong vòng 500 năm gần đây.
Các chỉ số tuyệt chủng hiện nay cao hơn khoảng 1.700 lần so với đầu Thế Pleistocen muộn. Với tốc độ như hiện nay, chúng ta có thể dự đoán rằng, con số 351 loài vật bị tuyệt chủng nói trên có thể lặp lại trong vòng 800 năm nữa.
“Nguyên nhân tuyệt chủng là rất phức tạp và không phụ thuộc hoàn toàn vào một biến số. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự gia tăng dân số và các quá trình liên quan có ảnh hưởng mạnh đến sự tuyệt chủng các loài, trong khi các mô hình khí hậu toàn cầu, chẳng hạn như Cực đại băng hà cuối cùng, không để lại dấu vết về tuyệt chủng” – ông Tobias Anderman cho biết.
Các nhà khoa học cho rằng, sự kiện tuyệt chủng có thể có liên quan đến hàng loạt yếu tố tác động của con người, trong đó có áp lực săn bắn, sử dụng đất canh tác, biến đổi các hệ sinh thái và “những hậu quả khác từ ảnh hưởng của con người đến thiên nhiên”.
Điều đáng lo ngại nhất là, theo mô hình của các nhà khoa học, đến cuối thế kỷ này sẽ có 558 loài bị tuyệt chủng.
“Chúng tôi dự đoán, đến năm 2100 tất cả các khu vực trên thế giới chuyển vào làn sóng tuyệt chủng thứ hai. Đặc biệt, hiện giờ, Australia và vùng Caribe đã bước vào làn sóng tuyệt chủng thứ hai do có nhiều loài tuyệt chủng trong mấy thập niên gần đây” – ông Tobias Anderman nói.
Vẫn còn chưa quá muộn để kìm hãm những biến đổi bất lợi này. Các nhà khoa học cho rằng, có thể cứu hàng trăm loài khỏi tuyệt chủng nhờ các chiến lược bảo vệ thiên nhiên hiệu quả hơn.