(GD&TĐ) - Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã nhân bản phôi người bằng phương pháp như nhân bản cừu Dolly nổi tiếng. Đây được coi là bước tiến lớn trong y học. Phôi nhân bản có thể được sử dụng như là nguồn tế bào phôi gốc - một trong những hi vọng lớn nhất trong cuộc chiến với các căn bệnh nan y.
Nhờ các tế bào gốc, các nhà khoa học có thể tạo ra các tế bào cơ tim, xương, mô thần kinh hoặc các loại mô khác trong cơ thể. Tuy nhiên các tế bào lạ không thích ứng một cách tuyệt đối đối với cơ thể bệnh nhân và có thể bị thải loại. Việc nhân bản các tế bảo của chính bệnh nhân sẽ loại trừ vấn đề này.
Nhân bản chính mình?
Một số nhà khoa học cho rằng chúng ta có thể có được những tế bào nhân bản bằng những phương pháp đơn giản hơn, tốn ít kinh phí hơn và ít gây nghi ngờ về mặt đạo đức hơn. Ngược lại một số nhà khoa học khác lên tiếng yêu cầu dừng ngay lập tức những nghiên cứu trong lĩnh vực này. Ngoài các lý lẽ rằng chúng ta tạo ra sau đó lại phải hủy phôi người, còn có những ý kiến cho rằng mặc dù hiện tại người ta nói về sự ứng dụng phương pháp này vào nhân bản cho công tác điều trị bệnh, nhưng trong tương lai có thể nó sẽ phát triển thành việc nhân bản để sinh sản. Như vậy chúng ta sẽ tiến hành nhân bản chính bản thân mình.
“Đó hoàn toàn chỉ là suy nghĩ viển vông - Những người ủng hộ phương pháp nhân bản mới cho biết - Đây là phương pháp điều trị đối với những căn bệnh nan y, chứ không phải là tạo ra phiên bản thứ hai của một ai đó”.
Trước đó chưa thành công
Năm 1996, các nhà khoa học Scotland nhân bản thành công con cừu Dolly nhờ dựa trên những nghiên cứu công bố trên tạp chí khả kính “Cell” (Mỹ).
Kỹ thuật sử dụng trong thí nghiệm này được gọi là kỹ thuật chuyển nhân tế bào xoma. Quy trình có thể tóm tắt như sau: Các nhà khoa học lấy nhân từ tế bào da của con vật trưởng thành, sau đó đặt nó vào tế bào trứng “rỗng” (đã bỏ vật liệu di truyền) của con vật nhận. Các nhà khoa học dùng các xung điện tử để kích thích trứng phân chia và phát triển thành phôi.
Suốt nhiều năm, các nhà khoa học không thể áp dụng phương pháp này đối với con người, bởi không có kết quả. Khi đó người ta bàn tán rằng chúng ta biết quá ít về bản chất của sinh sản, rằng việc tạo ra con người là bí mật lớn và rõ ràng là có những cơ chế cần thiết cho quá trình này mà chúng ta chưa phát hiện ra. Trong trường hợp của con người, tế bào trứng cũng đã bắt đầu phân chia nhưng luôn dừng lại ở giai đoạn 6 - 12 tế bào. Sau đó tế bào trứng chết.
Nhiều công việc còn phải làm
Từ năm 2004, thế giới khoa học đã biết đến thông tin về nhân bản phôi người do nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-Suk thông báo. Tuy nhiên thông tin của ông hóa ra lại là trò lừa đảo. Thành công duy nhất của ông là...nhân bản được một con chó.
Hiện tại, nhóm các nhà khoa học ở trường đại học Y tế và Khoa học ở Oregon (Mỹ) đã nuôi dưỡng được phôi người đến giai đoạn phân chia thành 150 tế bào, tức là túi phôi. Đến giai đoạn túi phôi này là cũng đủ điều kiện để lấy các tế bào gốc. Trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Shoukhrat cho biết: “Thí nghiệm có thành công hay không phụ thuộc vào việc tế bào gốc lấy từ phôi có thể biến đổi thành tế bào bất kỳ nào đó của cơ thể hay không”. Còn giáo sư Chris Mason, chuyên gia về lĩnh vực nhân bản ở trường đại học London (Anh) cho biết: “Mặc dù còn nhiều việc phải làm để có được phương pháp chữa trị an toàn bằng tế bào gốc, nhưng tôi tin rằng đây là tiến bộ vượt bậc của y học”.
Tuấn Sơn (Theo báo nước ngoài)