Lần đầu ông Putin công bố dự thảo hòa bình bất thành với Ukraine

GD&TĐ - Tại cuộc gặp với phái đoàn châu Phi ở St. Petersburg vào ngày 17/6, ông Putin trình bày dự thảo Hiệp ước Istanbul về Ukraine lần đầu tiên.

Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Nga lưu ý rằng tài liệu này có tên là "Hiệp ước về đảm bảo an ninh và trung lập vĩnh viễn của Ukraine". Ông cho biết Hiệp ước này nói về những bảo đảm, gồm 18 điều.

Dự thảo trên quy định rằng Ukraine phải tôn trọng “sự trung lập vĩnh viễn” trong Hiến pháp của mình.

Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp được liệt kê là những người bảo lãnh.

Ông Putin cũng đưa ra phần phụ lục của dự thảo, phác thảo các đề xuất của cả Nga và Ukraine về quy mô quân đội thường trực của Ukraine trong thời bình, cũng như trang thiết bị của lực lượng này.

Moscow đề xuất giới hạn số lượng quân nhân ở mức 85.000 và số lượng thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở mức 15.000. Trong khi đó, Kiev đề xuất rằng Lực lượng Vũ trang của họ có tới 250.000 quân.

Moscow gợi ý rằng Ukraine nên được phép sở hữu 342 xe tăng, 1.029 xe bọc thép, 96 bệ phóng tên lửa đa năng, 50 máy bay chiến đấu và 52 máy bay “phụ trợ”. Trong khi đó, Kiev ủng hộ việc có 800 xe tăng, 2.400 xe bọc thép, 600 bệ phóng tên lửa đa năng, 74 máy bay chiến đấu và 86 máy bay "phụ trợ".

Các bên cũng trao đổi các đề xuất về giới hạn súng cối, vũ khí chống tăng và hệ thống tên lửa phòng không của Ukraine, cùng các thiết bị khác.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022 ngay sau khi các quan chức Ukraine cáo buộc quân đội Nga giết hại dân thường ở một số thành phố nhỏ xung quanh Kiev. Cáo buộc được đưa ra ngay sau khi binh lính Nga rút khỏi các khu vực bên ngoài thủ đô Ukraine.

Vào thời điểm đó, Điện Kremlin mô tả việc rút quân này là “một cử chỉ thiện chí”. Kể từ đó, Moscow nhiều lần phủ nhận việc thực hiện các hành động tàn bạo ở Ukraine.

Theo ông Putin, sau khi Nga rút quân khỏi Kiev như đã hứa, chính quyền Ukraine đã từ bỏ các điều khoản này.

Trước đó, ngày 18/5, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhắc lại việc Liên bang Nga sẵn sàng ký kết hiệp ước hòa bình với Ukraine vào mùa xuân năm ngoái. Ông cũng nhấn mạnh rằng các điều kiện tiên quyết mà Kiev đưa ra là nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vòng đàm phán cuối cùng giữa Nga và Ukraine đã diễn ra vào ngày 29/3/2022, kéo dài khoảng 3 giờ. Sau đó, Kiev chính thức từ chối liên lạc với Moscow.

Chiến dịch đặc biệt để bảo vệ Donbass được Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu vào ngày 24/2/2022 vẫn tiếp tục. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn, được cho là do các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine.

Theo RT/IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ