Làm thế nào khai thác tối đa CSVC, thiết bị đào tạo ĐH

Làm thế nào khai thác tối đa CSVC, thiết bị đào tạo ĐH
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Quan điểm này đã được đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đồng thuận tại Hội nghị đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo các trường ĐH, CĐ công lập trên toàn quốc diễn ra sáng nay (25/10) với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tao các trường ĐH, CĐ

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả khảo sát thực trạng cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị đào tạo (TBĐT) – cuộc khảo sát đánh giá quy mô lớn đầu tiên về CSVC và TBĐT tại các trường ĐH và CĐ được thực hiện từ trước đến nay.

Theo khảo sát này, trong những năm qua, vị trí, vai trò của công tác đầu tư TBĐT đã được các trường nhận thức đúng đắn, nhiều trường xây dựng được CSVC rất khang trang và đẹp (điển hình như ĐH An Giang, ĐH Tây Đô – Cần Thơ); một số trường đã xây dựng được các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; 100% trường được đầu tư, trang bị phòng máy vi tính và nối mạng internet; 69,4% số trường có sử dụng phần mềm ứng dụng trong công tác giảng dạy và học tập; 66,3% trường có website riêng; nhiều trường đã đầu tư xây dựng được thư viện điện tử hiện đại, đạt tiêu chuẩn thư viện trong nước và thế giới...

Có thể nói, CSVC và đầu tư Nhà nước khá lớn đã giúp giáo dục ĐH đáp ứng được như cầu đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế xã hội, góp phần tích cực vào việc đảm bảo chất lượng...

Tuy nhiên, nhìn trên diện rộng thì CSVC, TBĐT của các trường ĐH, CĐ công lập hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém. Diện tích đất nhỏ, đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ; nhiều trường chưa có quy hoạch xây dựng trường, trường có quy hoạch thì chất lượng chưa cao; thiết kế nhà, phòng thí nghiệm, phòng học... chưa được đẹp; khả năng xã hội hóa rất hạn chế; cơ chế quản lý, đầu tư còn nhiều bất cập...

Hiện nay, diện tích đất cho 1 sinh viên ĐH, CĐ trong các trường công lập quá thấp, khoảng 35,7 m2  (trong khi tiêu chuẩn là 55 đến 85 m2 đất/ 1 sinh viên).  Hầu hết diện tích đất chỉ để cho khu học tập, do đó, tình trạng mật độ xây dựng quá cao (50-60%) so với tiêu chuẩn hiện hành (20-25%). Diện tích sử dụng khu học tập trung bình trên 1 sinh viên cũng quá thấp (chỉ khoảng 3,6 m2, trong khi tiêu chuẩn thiết kế hiện hành là 6m2)...

Tính đến thời điểm khảo sát, theo báo cáo của 196 trường ĐH và CĐ công lập, chỉ có 157.429 chỗ ở cho sinh viên trong tổng số 855.337 sinh viên chính quy, chiếm khoảng 19,5%...; 84,2% trường có trạm y tế với cơ sở vật chất và cán bộ y tế rất nghèo nàn

5572 phòng thí nghiệm, phòng thực hành; 442 xưởng/trạm/trại thực tập, thực hành, thực nghiệm (XTH) cũng là con số khảo sát từ 196 trường ĐH, CĐ, trong đó có 0,8% số phòng thí nghiệm đang chờ thanh lý. Hầu hết các trường chưa xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm; chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được đánh giá là đạt về mức độ đáp ứng nhu cầu NCKH và 22,5% phòng thí nghiệm được đánh giá là có chất lượng các thiết bị tốt. Theo Bộ GD&ĐT, các phòng thí nghiệm, XTH chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của các trường hiện nay.

Đặc biệt báo động đối với các trường ĐH, CĐ công lập hiện nay là vấn đề thư viện. Theo khảo sát, 87,8% trường ĐH, CĐ có thư viện truyền thống và 39,3% có thư viện điện tử; trong đó, chỉ có 38,9% thư viện truyền thống và 40,3% thư viện điện tử có áp dụng các tiêu chuẩn thư viện hiện có ở Việt Nam hoặc trên thế giới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực

Theo Bộ GD&ĐT, vốn đầu tư xây dựng các cơ sở mới, mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình trong khuôn viên của nhà trường (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư) giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần khoảng 827.000 tỷ đồng.

Đây là con số vô cùng lớn, cho dù ngân sách nhà nước giành cho phát triển giáo dục đào tạo có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài năm sắp tới nhưng chắc chắn sẽ không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu như đã dự báo. Vì vậy, tình trạng bất cập về CSVC của các trường ĐH, CĐ công lập như hiện nay vẫn còn kéo dài nếu không có giải pháp về cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư linh hoạt hơn.

Nếu đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm và phát huy sự đóng góp của các địa phương thì đại diện nhiều trường đều đồng lòng với quan điểm cần tìm giải pháp đột phá bằng đổi mới quản lý, làm sao để sử dụng, quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn lực hiện có.

Tìm đột phá ở khâu quản lý cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn chỉ quy hoạch hệ thống trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hướng tới các khu Đh tập trung của 2 khu vực này. Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng đang phối hợp thực hiện quy hoạch đất cho giáo dục đại học; đồng thời, sẽ có danh mục đầu tư đột phá các trường ĐH trọng điểm...

Đối với các trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có đột phá trong quan hệ với doanh nghiệp, trong tổ chức thu nhận đóng góp của xã hội và chuyên trách hóa đội ngũ này, đồng thời tăng cường quản lý sử dụng tài chính. Với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy rà soát lại việc phân cấp, đẩy nhanh hệ thống thư viện điện tử hợp tác với Nga và việc thành lập hội đồng hiệu trưởng từng khối ngành...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận HN . Ảnh: gdtd.vn

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị các trường rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển một cách nghiêm túc; với việc mua thiết bị cũng cần rà soát để thực hiện cho thiết thực, tuyệt đối tránh tâm lý nhiệm kỳ, tâm lý giải ngân cho hết...

Bộ trưởng cũng yêu cầu mỗi nhà trường kiện toàn tổ chức nhân sự, quy chế, tổ chức bộ máy lo về vấn đề xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phục hồi tài sản. Với các cơ quan Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng đề nghị phân tích, xử lý thông tin theo các nhóm trường, khối ngành, khu vực địa lý, phân tích có chiều sâu, kiến nghị cụ thể hơn, đồng thời trao đổi với từng khối ngành để sử dụng, khai thác có hiệu quả tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; thiết kế hoàn thiện lại bộ công cụ để duy trì thông tin giữa các trường với Bộ... Bộ trưởng cũng kiến nghị Chính phủ nên đẩy nhanh tiến độ di dời các trường ĐH tại Hà Nội và thành phố HCM để tránh lãng phí trong trường hợp một số trường vẫn tiếp tục nhận kinh phí đầu tư từ nhà nước...
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ