Làm thế nào để kích hoạt năng lượng của bản thân?

GD&TĐ - Tại sao có những người nhỏ bé nhưng làm việc “hừng hực” cả ngày không biết mệt mỏi, trong khi đó có những người “to xác” nhưng suốt ngày ủ rũ, mệt mỏi?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại sao có những người lúc nào cũng vui vẻ, tươi tỉnh, trong khi đó rất nhiều người luôn cau có, đau khổ, buồn rầu...?

Có phải họ sinh ra đã mạnh mẽ, vui vẻ? Hay họ có một “bí mật” nào đó mà chúng ta chưa biết? Tại sao có rất nhiều học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ nhưng kết quả học hành không tốt? Tại sao rất nhiều nhân viên cần mẫn, chịu khó nhưng năng suất không khá khẩm gì?

Để phóng lên quỹ đạo một con tàu vũ trụ phải sử dụng tới 90% năng lượng, số năng lượng còn lại dùng để bay trong quỹ đạo chỉ chiếm 10%.

Muốn có năng suất cần có năng lượng đỉnh cao. Muốn có năng lượng đỉnh cao thì chúng ta phải kích hoạt. Một chiếc xe muốn nổ được máy phải kích hoạt bằng cách đề hoặc đạp, điều đó giải thích tại sao các vận động viên thể thao phải khởi động rất lâu trước khi vào luyện tập hoặc thi đấu.

Lí do nào khiến một số học sinh học hành không tốt?

Các em này vừa học vừa ngáp, mệt mỏi, ủ rũ, nên kiến thức thầy cô giảng “chui vào tai trái lại chạy sang tai phải”.

Các nhân viên kia thì sao? Làm việc thì “ngáp ngắn ngáp dài”, “lờ phờ”, “vật vờ”…

Người Việt ta làm việc, học tập thường theo cảm xúc ngẫu nhiên và đa phần bị chi phối bởi hoàn cảnh, vì vậy năng lượng thất thường nên hiệu quả không được cao. Nguy hiểm hơn thời gian “chuyển kênh” rất lâu: 7 giờ chấm công nhưng đến 9 giờ chúng ta mới thực sự làm việc, 13 giờ ngủ trưa dậy nhưng đến 14 giờ 30 phút mới vào làm trở lại, 17 giờ tan ca nhưng 16 giờ đã dừng việc…. Tại sao người Nhật, Hàn họ làm việc năng suất cao? Bí quyết đơn giản là trước khi vào làm việc họ đều tập thể dục đầu giờ và chuyển kênh nhanh.

“Không làm được đâu”; “Vỡ đấy”; “Hỏng này”; “Không đến lượt mày đâu”; “Mọi người cười cho”…

Những lời nói này quen không? Đó chính là lời nói của “Tể Tướng Thậm Thụt”, người cố vấn trong đầu của bạn. Đó là những lời cố vấn giúp bạn an toàn, nhưng nó cũng là thuốc độc giết chết con người vĩ đại trong bạn.

Bạn định kinh doanh ư? “Không được đâu! Mày đâu có kinh nghiệm gì! Giàu không đến lượt mày đâu! Phá sản thì sao! Tí tuổi kinh doanh cái gì” - Tể Tướng Thậm Thụt lải nhải.

Bạn sẽ không bao giờ dám hành động, không thể làm được gì, nếu bạn cứ để “Tể Tướng Thậm Thụt” này suốt ngày “lải nhải” trong đầu bạn.

Hồi nhỏ chúng ta tiến bộ rất nhanh vì Tể Tướng Thậm Thụt chưa đủ lớn. Ta thích là ta làm. Nhưng càng lớn thì thất bại càng nhiều và hơn thế nữa được tích tụ lại. “Đòn đau nhớ đời” mà. Và theo năm tháng Tể Tướng Thậm Thụt lớn nhanh như thổi đã lấn át mọi cảm xúc tích cực của bạn. Cái được thì mơ hồ. Cái mất thì rất cụ thể. Cảm xúc sợ sệt đã chặn mọi ước muốn của bạn.

Muốn hành động, muốn thành công, muốn xuất sắc bạn phải át “Tể Tướng Thậm Thụt” bằng cách ra lệnh, tuyên bố, khẳng định sự vượt trội của “thánh toàn tài” trong đầu bạn (tôi làm được, tôi xuất sắc, tôi vượt trội, tôi tự tin…).

Nhu cầu lớn nhất của con người là nhu cầu sinh tồn: Sinh lý và an toàn. Hai tiếng thì thầm (little voice) cơ bản nhất của ta là “được gì không” và “an toàn không”? Những tiếng thì thầm như thế của Tể Tướng Thậm Thụt bảo vệ ta sinh tồn nhưng cũng là nguyên nhân ngăn cản mọi khả năng tiến bộ của ta.

Đa số chúng ta sống bằng những cảm xúc thất bại của quá khứ. “Đòn đau nhớ đời”, các thất bại cứ chồng chất trong ta và Tể Tướng Thậm Thụt cứ kéo ta co người lại phòng thủ, làm nhụt chí khí của chúng ta.

Cuộc chiến thường trực nhất, dai dẳng nhất là cuộc chiến giữa Thánh Toàn Tài và Tể Tướng Thậm Thụt. Mâu thuẫn lớn nhất quyết liệt nhất là mâu thuẫn giữa Thánh Toàn Tài và Tể Tướng Thậm Thụt. Sai lầm lớn nhất của chúng ta là ta luôn tuân thủ, nuông chiều Tể Tướng Thậm Thụt.

Bậc 3 của tháp nhu cầu Maslow là giao tiếp xã hội. Con người, nhất là người Việt rất sợ dư luận xã hội, cho nên rất thích làm người theo sau. Các sách vở về thành đạt đều nhắc đến “giọng nói nhỏ – Little voice” nhưng không thấy nói đến cách trấn át nó.

Nhu cầu được tôn vinh và tự thể hiện là nhu cầu bậc cao nhưng lại yếu hơn nhu cầu sinh tồn rất nhiều. Để thành đạt và hạnh phúc trước khi làm bất cứ cái gì bạn phải kích hoạt vị Thánh Toàn Tài để át tiếng thì thầm của Tể Tướng Thậm Thụt. Luôn tưởng tượng thành tựu tương lai để kích hoạt cảm xúc dũng mãnh thì mới thành công được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.