Làm sống lại 'Chợ ma' độc đáo ở miền Tây

GD&TĐ - Show diễn thực cảnh tái hiện 'Chợ ma' đã làm sống lại những ký ức về ngôi chợ nhộn nhịp, giàu bản sắc của người dân làng Định Yên, Đồng Tháp.

Người dân Định Yên tái hiện lại khung cảnh mua bán ở 'chợ ma'.
Người dân Định Yên tái hiện lại khung cảnh mua bán ở 'chợ ma'.

Làm sống lại 'chợ ma'

“Chợ ma” là tên người dân làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thường gọi chợ chiếu đêm. Ngôi chợ là nơi tụ họp, trao đổi mua bán của người làm chiếu, các tiểu thương và người dân trong vùng.

Sở dĩ gọi “chợ ma” vì chợ được họp vào ban đêm, thường là lúc nửa khuya, không cố định giờ giấc, do ban ngày người dân phải chuẩn bị cho các công đoạn để làm ra chiếc chiếu như: Chẻ lác, se đay, cạo bố, nhuộm màu, chấp chân và dệt chiếu…

Ngôi chợ nằm cạnh con sông. Trên bờ người mua, kẻ bán tấp nập qua lại, dưới bến các thương lái tất bật bốc hàng rồi vận chuyển khắp nơi.

Điều đặc biệt chỉ có ở chợ này là người mua chỉ cần đứng hoặc ngồi một chỗ, người bán sẽ vác chiếu chào mời đến từng khách. Khi xem chiếu xong người mua và người bán thỏa thuận sao cho thuận mua, vừa bán.

Cứ thế “chợ ma” tồn tại và trở thành nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của người dân bản xứ.

Khung cảnh mua bán tại "chợ ma" qua show diễn thực cảnh tái hiện.

Khung cảnh mua bán tại "chợ ma" qua show diễn thực cảnh tái hiện.

Mãi về sau, với sự phát triển của công nghiệp, hiện đại hóa, "chợ ma" của làng chiếu Định Yên dần chỉ còn qua tên gọi và tưởng chừng chỉ còn trong ký ức của dân làng.

Thế nhưng mới đây, ngôi chợ mang nét văn hóa độc đáo đã được làm 'sống lại' chân thật. Theo đó, đêm thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên” được huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) tổ chức vào chiều tối thứ 7 (tuần thứ 1 và tuần thứ 3 của tháng), diễn ra ngay trước sân đình Định Yên, cạnh con rạch Ngã Cạy.

Giữa không gian tĩnh mịch về đêm, hình ảnh dòng người le lói trong những ánh đèn dầu của phiên “chợ ma” hiện ra trước mắt. Trên bờ là người mua, người bán tấp nập, chuyện trò hỏi thăm nhau và cả tái hiện cả khoảnh khắc hẹn hò của những chàng trai, cô gái.

Câu hò Đồng Tháp được cất lên từ những người dân lao động qua show diễn thực cảnh.

Câu hò Đồng Tháp được cất lên từ những người dân lao động qua show diễn thực cảnh.

Xa xa, văng vẳng câu hò, điệu lý của người dân lao động “chân quê” cùng tiếng dầm bơi xuồng khua lộp cộp đã xóa tan bầu trời đêm tĩnh mịch, làm sống lại bầu không khí náo nhiệt của phiên chợ cách đây hơn 30 năm.

Thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên” là một sản phẩm văn hóa mới của Đồng Tháp, giúp lưu giữ giá trị của làng nghề, đồng thời, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách về một nét đẹp văn hóa độc đáo của đất và người Đồng Tháp.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp cho biết: “Chợ ma” là sản phẩm văn hóa đặc biệt, được kết tinh từ giá trị văn hóa Đình làng và Làng nghề truyền thống, được tái hiện thông qua show diễn thực cảnh mà các diễn viên là những người dệt chiếu, nông dân địa phương, diễn lại những hoạt động mà người dân làm hằng ngày, tạo cảm giác chân thật cho người xem.

Những người dân địa phương rất phấn khởi và tâm huyết khi tham gia vào show diễn với hy vọng mang lại ấn tượng đẹp cho du khách. Và hơn thế, ngành Văn hóa địa phương tiếp tục duy trì phiên chợ để đem đến những trải nghiệm tốt cho du khách trong và ngoài nước khi đến với vùng đất Sen hồng".

Giá trị từ làng nghề Dệt chiếu

'Chợ ma' Định Yên gắn liền với làng nghề dệt chiếu vốn đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành ngành nghề truyền thống có tuổi đời hơn 200 năm. 'Chợ ma' mang nét văn hóa đặc sắc được người dân Lấp Vò phát huy và gìn giữ suốt bao đời.

Nghề làm chiếu, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng người dân Định Yên vẫn luôn tự hào vì là nghề truyền thống cha ông đã truyền lại. Với họ, nghề dệt chiếu đã nuôi sống và cho họ cuộc sống ấm no, lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Vân cùng con gái dệt chiếu thủ công tại Đình Định Yên trước giờ diễn ra show thực cảnh.

Bà Nguyễn Thị Vân cùng con gái dệt chiếu thủ công tại Đình Định Yên trước giờ diễn ra show thực cảnh.

Bà Nguyễn Thị Vân ở ấp An Khương, xã Định Yên chia sẻ: Gia đình bà đã 5 đời làm chiếu. Nghề này giúp gia đình bà có nguồn thu ổn định, nuôi các con, các cháu ăn học đến nơi, đến chốn.

Đến nay, đã ngoài 60 tuổi, nhưng bà Vân vẫn thuần thục các công đoạn làm ra một chiếc chiếu thủ công, mặc dù phần lớn khâu dệt chiếu hiện đã được hỗ trợ từ máy móc công nghiệp.

Những người phụ nữ cần mẫn với nghề làm chiếu

Những người phụ nữ cần mẫn với nghề làm chiếu

Bà Nguyễn Thị Miếng ở ấp An Lợi B, xã Định Yên tâm sự, bà bắt đầu dệt chiếu từ năm 11 tuổi. Nay ở tuổi 72, bà có hơn 60 năm gắn bó với nghề. Có khổ cực, có buồn vui, nhưng nhờ nghề mà bà có thể nuôi sống cả gia đình. Khi có nhiều máy móc và thiếu nhân lực, bà đã ngừng dệt thủ công nhưng vẫn luôn canh chánh được truyền lại nghề cho con cháu.

Với bà, show tái hiện "Chợ ma" như một phần gợi lại những kỷ niệm đẹp về cái nghề bà đã gắn bó bao năm, cũng là nơi để bà có thể sống lại niềm đam mê của mình.

Dù còn nhiều trăn trở về tương lai, nhưng người dân Lấp Vò vẫn luôn một lòng gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề chiếu như bản sắc văn hóa không thể mờ phai. 'Chợ ma' Định Yên cũng đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc, góp phần tiếp nối và lưu giữ những giá trị mà con người nơi đây tạo dựng.

Hiện nay, làng Định Yên có khoảng 431 hộ sinh sống bằng nghề dệt chiếu. Hằng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu hơn 80 tỷ đồng, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân sản xuất, buôn bán, dịch vụ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ