Nhiều tiện ích
Từ học kỳ I năm học 2024 - 2025, tất cả trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) triển khai thu học phí qua sổ liên lạc điện tử eNetViet. Thanh toán qua phần mềm giúp phụ huynh không phải nhớ thông tin của trẻ khi chuyển khoản như mã học sinh, số tiền phải đóng hằng tháng... Đối với các trường, phần mềm giúp tiết kiệm thời gian công sức nhập liệu nhờ sử dụng tối đa dữ liệu đã có sẵn trên cơ sở dữ liệu ngành.
Cùng với thu học phí, phần mềm sổ liên lạc điện tử còn tích hợp nhiều tiện ích khác như: Thư viện điện tử; bảng điểm học tập; thời khóa biểu; theo dõi thông tin sức khỏe học sinh; liên lạc miễn phí với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Mặt khác, ứng dụng được tích hợp với phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, giúp dễ dàng khai thác các minh chứng. Điều này thuận lợi cho các trường trong kiểm định chất lượng.
Cô Trần Thị Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, nhà trường đã triển khai sổ liên lạc điện tử nhiều năm nay, dùng bản miễn phí, không thu tiền phụ huynh học sinh. Dù là bản miễn phí nhưng phần mềm vẫn có đủ tính năng cần thiết.
Nhà trường đã giao nhiệm vụ cho các giáo viên cập nhật thông tin lên phần mềm như: Bảng điểm, thông tin học sinh; danh sách và số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, bộ môn; hệ thống bài giảng điện tử đang dần hoàn thiện. Gần đây, việc ứng dụng phần mềm để triển khai thu học phí đã giúp trường tiết kiệm nhiều nhân lực, tránh sai sót.
Sổ liên lạc điện tử nếu biết khai thác sẽ phục vụ tốt trong chuyển đổi số. Do vậy, Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cử 2 nhân viên kiêm nhiệm công việc cập nhật thông tin từ giáo viên chủ nhiệm để chuyển lên sổ liên lạc điện tử cho phụ huynh.
Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Hải Yến, sở dĩ phụ huynh cho rằng sổ liên lạc điện tử ít tác dụng vì tính tương tác và thông tin không cập nhật. Do đó, nhà trường phân công cụ thể công việc cho giáo viên cập nhật đầy đủ thông tin, tăng tính tương tác trong phần mềm.
Trong phần mềm có tính năng nộp học phí miễn phí, điểm danh khuôn mặt. Mọi thông tin đi học của học sinh khi vào, ra khỏi trường đều được cập nhật luôn đến phụ huynh. Giáo viên cũng giao bài tập trên sổ liên lạc điện tử cho học sinh. Nếu biết tận dụng triệt để tính năng của sổ liên lạc điện tử thì việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ thuận lợi hơn.
Khắc phục bất cập
Bên cạnh bản miễn phí, phần mềm sổ liên lạc điện tử còn phát triển các nội dung thu phí, dao động từ 200 - 300 nghìn đồng mỗi năm và đây là khoản thu không bắt buộc. Tại bản thu phí, người dùng được sử dụng một số tiện ích khác như điểm danh xin nghỉ học; giao nhiệm vụ, bài tập; theo dõi hoạt động hằng ngày.
Khẳng định phần mềm sổ liên lạc điện tử giúp ích nhà trường rất nhiều trong việc quản lý điều hành, thầy Lê Nho Duy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1 (Bắc Ninh) cho biết: Nếu trước đây, việc kết nối gia đình - nhà trường được thực hiện qua tin nhắn SMS không dấu, một chiều thì hiện nay, sổ liên lạc điện tử đã thực hiện kết nối đa chiều, dễ dàng và nhanh chóng.
Bên cạnh chức năng cần thiết của bản miễn phí, nhà trường đã nâng cấp lên bản thu phí từ năm 2020. Đây là ứng dụng liên lạc trực tuyến gồm hai phân hệ chính, cho phép tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, từ đó giúp kết nối gia đình và nhà trường.
Cô Lê Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT Thuận Thành 1 nhìn nhận, nhờ phần mềm sổ liên lạc điện tử, phụ huynh quản lý được giờ giấc của con; nhanh chóng nắm thông tin về điểm số ngay sau khi giáo viên cập nhật để có biện pháp động viên điều chỉnh kịp thời; nhận và tương tác thông báo nhanh chóng.
Bên cạnh những tiện ích mang lại thì tại một số nhà trường, việc sử dụng sổ liên lạc chưa thực sự hiệu quả. Nhiều phụ huynh cho biết khi vào ứng dụng, thông tin về tình hình học tập của con không cập nhật, thiếu bảng điểm, không có thời khóa biểu. Do không có nhiều thông tin nên phụ huynh ít khi dùng. Thậm chí nhiều nhà trường đã thu tiền của phụ huynh nhưng thông tin trong sổ liên lạc điện tử quá nghèo nàn.
Nhiều người cho rằng, phải chi trả 20 nghìn đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử tuy không nhiều, nhưng gây lãng phí bởi phụ huynh gần như không sử dụng đến. Mỗi lớp, giáo viên đều trao đổi thông tin với phụ huynh qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử, theo nhiều phụ huynh là không hiệu quả.
Về vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, sổ liên lạc điện tử bản miễn phí đã đáp ứng đủ yêu cầu. Về bản có thu phí, nếu phụ huynh thấy không cần thiết và không muốn sử dụng, nhà trường không có quyền ép buộc phụ huynh sử dụng, công ty cung cấp phần mềm không có quyền ép nhà trường sử dụng.
Ông Vũ Việt Cường - chuyên viên công nghệ thông tin (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, sử dụng sổ liên lạc điện tử là cần thiết để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình sử dụng, phụ huynh có thể trao đổi với nhà trường việc cần bổ sung, cung cấp thêm thông tin gì. Quá trình sử dụng thấy không hiệu quả, phụ huynh có thể phản hồi với nhà cung cấp để nâng cấp.