Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, trước hết, chúng ta phải hiểu và nhận thức đúng là trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành Giao thông vận tải luôn luôn phải đáp ứng được mọi yêu cầu.
Từ nhận thức đó và từ quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, Bộ Giao thông vận tải xác định là khi đất nước đang ở trạng thái bình thường bắt đầu phòng chống dịch thì chúng ta chuyển sang trạng thái mới. Khi đã chuyển sang trạng thái mới rồi thì ngành Giao thông vận tải cũng phải thích ứng kịp thời và phải đảm bảo phục vụ lưu thông hàng hoá, phục vụ đi lại của người dân và phục vụ phòng chống dịch tốt nhất.
Chính từ quan điểm chỉ đạo, từ nhận thức đó, trước hết Bộ Giao thông vận tải quán triệt toàn ngành, từ Trung ương đến địa phương, phải nắm được quan điểm này để tổ chức thực hiện đồng bộ, thể hiện vai trò của ngành trong phòng, chống dịch.
Kết quả này cho thấy tuy chúng ta tổ chức triển khai giãn cách xã hội, có những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15, nhưng cũng có địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, và có những địa phương thực hiện trên Chỉ thị 16, điều kiện còn ngặt nghèo hơn.
Hoặc sau này, chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 19. Tức là theo cấp độ phòng chống dịch thì ngành Giao thông vận tải cũng phải thích ứng kịp thời.
Có thể nói năm 2020, trong lĩnh vực vận tải hàng hoá và vận tải hành khách, đến giờ Bộ Giao thông vận tải nhận định và đánh giá ngành Giao thông vận tải vẫn đang đáp ứng được nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch đồng thời thực hiện mục tiêu kép là phục vụ phát triển kinh tế và sự đi lại của người người dân, đáp ứng rất kịp thời, thể hiện ở một số lĩnh vực.
Thứ hai, đối với ngành Giao thông vận tải, trước tình hình diễn biến như thế, ngoài đưa ra quan điểm chỉ đạo sát tình hình, sát chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch, Bộ Giao thông vận tải còn đưa ra giải pháp cụ thể sát với tình hình của ngành.
Đó là Bộ Giao thông vận tải xác định không thể đứt được chuỗi cung ứng, trong đó khâu lưu thông là vấn đề vô cùng quan trọng phục vụ cho phòng chống dịch. Bộ Giao thông vận tải đã xác định những nơi áp dụng cấp độ khác nhau nhưng vẫn phải tổ chức vận tải, kể cả vùng có dịch hay vùng không có dịch.
Rồi vấn đề phối kết hợp, ví dụ như Bộ Giao thông vận tải phải duy trì được cầu hàng không vận chuyển từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh, vừa vận chuyển vật tư thiết yếu, thuốc men, đồng thời, vận chuyển nguồn nhân lực để hỗ trợ cho các tỉnh phía nam phòng, chống dịch; phục vụ sự đi lại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Phải duy trì bằng mọi cách chuỗi hàng hoá
Đối với hàng hoá, ngành giao thông vận tải cũng xác định không để đứt gãy chuỗi hàng hoá nên phải duy trì bằng mọi cách, ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh là khu vực cảng Cát Lái, và một số cảng của Đồng Nai, Bình Dương gắn liền với những khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ở đây, chúng ta vẫn tổ chức thực hiện sản xuất tại chỗ, duy trì sản xuất để vẫn có sản phẩm cho xuất khẩu hàng hoá.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải phải tổ chức làm sao giữ vững được chuỗi vận tải và đến bây giờ, có thể khẳng định hàng hoá xuất khẩu trong dịp vừa rồi, nhất là qua cảng biển lớn như Hải Phòng, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, khu vực Đồng Nai, Quy Nhơn… vẫn được duy trì.
Vấn đề thứ hai nữa là khi tổ chức giao thông, Bộ Giao thông vận tải cũng phải đưa ra những giải pháp đế thích ứng kịp thời. Ví dụ phải xác định đối tượng vận chuyển được ưu tiên, ưu tiên thì phải có nhận diện.
Từ đó, Bộ Giao thông vận tải đưa ra mã QR để nhận diện những phương tiện được ưu tiên để cho phép lưu thông kịp thời.
Một vấn đề nữa là khi phòng chống dịch, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo một trong những giải pháp chúng ta phải sẵn sàng là phương tiện và nguồn nhân lực để khi có yêu cầu là chúng ta đáp ứng.
Việc này vừa rồi đã thể hiện rất rõ, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng giao thông ở Thành phố đã có kế hoạch thích ứng rất kịp thời trong từng giai đoạn nên khi có điều động, có huy động người, phương tiện, nhân vật lực để phục vụ chống dịch là Bộ Giao thông vận tải đáp ứng được.
Ví dụ như thiếu phương tiện vận chuyển hay cấp cứu người bệnh, đã phải huy động đến lực lượng taxi 7 chỗ, chúng ta đưa những điều kiện y tế để huy động được lực lượng taxi phục vụ.
Hoặc chúng ta sử dụng lực lượng shipper vận chuyển bằng xe máy có điều kiện để phục vụ đời sống nhân dân cũng như vận chuyển hàng hoá, phòng chống dịch. Có thể nói, chúng ta đều có những phương án rất cụ thể, rất chi tiết.
Chúng ta đều biết, vừa rồi người dân trở về quê, đi qua các tỉnh, thành phố. Các địa phương đã chỉ đạo và các sở đã chuẩn bị sẵn sàng từ xe vận chuyển hàng hoá, đến vận chuyển người, khi có điều kiện là đưa lực lượng này tiếp ứng kịp thời…
Tất cả những việc này, Bộ Giao thông vận tải phải có chỉ đạo theo ngành dọc để luôn sẵn sàng và đáp ứng được mọi yêu cầu. Có thể khẳng định đến thời điểm này, lĩnh vực Giao thông vận tải, từ huy động nguồn lực đến phương tiện, con người để phục vụ vận chuyển hàng hoá, đi lại của nhân dân… chưa bị đứt gãy.