Làm sao “đánh thức” được trái tim người học

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp dạy học chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất là vấn đề đặt ra trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế, mỗi giáo viên phải là người truyền cảm hứng hành động, người thắp lửa chứ không phải đổ đầy kiến thức cho người học. Đó là chia sẻ của TS Trần Khánh Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên sáng lập chương trình Dạy học tích cực.

Trong giờ học tại Trường THCS Châu Giang (Duy Tiên, Hà Nam)
Trong giờ học tại Trường THCS Châu Giang (Duy Tiên, Hà Nam)

Rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho HS

Tổ chức dạy học nhằm giúp HS hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, năng lực là định hướng của Bộ GD&ĐT trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Thế nhưng hiện tại, đa số giáo viên (GV) cũng chưa thực sự nhận thức rõ ràng và biết cách dạy như thế nào để phát triển năng lực cho người học.

Một bộ phận giáo viên chưa có nhận thức đúng về phương pháp dạy học tích cực, cho rằng phương pháp dạy học này cũng không có gì khác biệt nhiều so với phương pháp cũ, nên cứ dạy phương pháp truyền thống: Đọc - chép, người dạy là trung tâm, miễn sao là mang lại hiệu quả, học sinh hiểu bài, trả bài điểm cao là được. Theo cách đó, những hạn chế trong nhận thức về phương pháp dạy học này đã và đang là nhân tố kìm hãm người giảng viên tiến bộ, hạn chế chất lượng GD-ĐT của các nhà trường.

GV cần nhận thức về vai trò, sứ mệnh của mình đối với nghề dạy học là nhà GD chứ không phải thợ dạy. GV là người điều phối, hỗ trợ cho quá trình học tập của HS được diễn ra thuận lợi, do vậy, họ cần trang bị các nhóm kĩ năng quan trọng như: Nhóm kĩ năng điều phối, quản lý lớp học hiệu quả; Nhóm kĩ năng tổ chức hoạt động học tập, đưa chỉ dẫn rõ ràng; Nhóm kĩ năng tạo động lực, truyền cảm hứng; Nhóm kĩ năng hiểu và xây dựng khung chương trình giảng dạy của chuyên môn mình. Dạy học tích cực nhằm phát huy các năng lực của HS

 
TS Trần Khánh Ngọc chia sẻ.

Theo TS Trần Khánh Ngọc, trong Chương trình GDPT mới, mỗi GV phải là người truyền cảm hứng hành động, người thắp lửa chứ không phải đổ đầy. Vận dụng phương pháp dạy học tích cực chú trọng vào việc “dạy người và dạy học phát triển năng lực”.

Trên lớp học, ngay khi tiến hành mỗi bài giảng, mỗi đơn vị kiến thức, GV cũng nên quan tâm đến việc có thể lồng thêm những bài học gì để phát triển nhân cách, để rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho HS, để các em có thể trở thành những công dân tốt sau khi rời khỏi ghế nhà trường chứ không chỉ quan tâm đến việc dạy cho các em nhớ được những kiến thức lý thuyết trong SGK để có thể đỗ cao trong các kỳ thi.

Chẳng hạn khi học về cách phân loại lá và các cách mọc lá trên cành (sinh học lớp 6): Thực chất việc HS gọi tên được các loại lá, mô tả được các cách mọc lá trên cành chỉ là phụ không quan trọng bằng việc thông qua hoạt động cho HS làm việc nhóm, phân loại và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, GV chỉ cho HS thấy rằng mọi cách phân chia như vậy đều đúng, miễn là các em đưa ra được các tiêu chí và biết dựa trên tiêu chí đó để phân loại. Qua đó, HS học được rằng mỗi vấn đề đều có nhiều cách để tiếp cận, mỗi người có thể đứng trên các quan điểm khác nhau để nhìn nhận, đánh giá về vấn đề đó và đều có những ý kiến hợp lý dựa trên cách tiếp cận của mình.

Ngoài ra, thông qua bài học về nêu trên, GV cũng giúp HS rèn luyện được kĩ năng quan sát, kĩ năng phân loại, kĩ năng làm việc nhóm. Kiến thức về lá sau một vài năm các em có thể quên đi, nhưng những kĩ năng được trang bị là những thứ cần thiết cho người học để thành công trong suốt cả cuộc đời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

“Chạm vào” và “đánh thức” được trái tim người học

TS Trần Khánh Ngọc cho rằng: GV là những người có ảnh hưởng quan trọng đến HS, qua đó có thể tạo nên một thế hệ trẻ thành công hay thất bại, ảnh hưởng đến tương lai của cả một dân tộc. Là một GV, bạn có thể nâng cánh cho rất nhiều ước mơ của HS bay cao, bay xa; nhưng nếu chỉ vô ý một chút, sử dụng những lời nói và thái độ không đúng, bạn cũng có thể dập tắt rất nhiều niềm hi vọng của người học mà có thể bạn không biết hoặc không để ý.

Vai trò của GD nói chung và của GV nói riêng, là đem lại cho người học cơ hội khám phá nhiều hơn về những điều tốt đẹp của bản thân, tin vào khả năng của mình có thể trở thành những người thành công, sống có ích cho xã hội. GD bằng tình yêu thương luôn là con đường GD ngắn nhất!

GV cần chủ động thay đổi cách tư duy, thay đổi cách dạy, cách nhìn nhận và đánh giá HS để tạo nên những điều tích cực chính trong lớp học của mình. Nếu HS còn ngáp ngủ hay mất tập trung trong giờ học, điều đó nghĩa là cách dạy của GV còn cần phải tiếp tục cải tiến, để hấp dẫn hơn nữa với người học. Nếu HS còn chưa ngoan, chưa hợp tác; điều đó có nghĩa là GV còn cần tiếp tục nhẫn nại hơn, yêu thương nhiều hơn, sử dụng trái tim mình nhiều hơn để “chạm vào” và “đánh thức” được trái tim người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ