Làm rõ trách nhiệm các cấp khi có tình huống khẩn cấp về thiên tai

GD&TĐ - Thiên tai tại Việt Nam xảy ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước.

Các phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai cần phải gắn liền với tình hình thực tiễn của các địa phương nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, về của ở mức thấp nhất.

 Phòng chống thiên tai phải đi đôi với chống dịch Covid-19

Để sẵn sàng cho công tác Phòng chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 76/TWPCTT ngày 30/6/2021 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai kết luận của Phó Thủ tướng – Trưởng ban tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố.

Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho hay đã hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt phương án sơ tán dân phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã về hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh với hơn 1.000 điểm cầu tham dự.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế địa phương thì đều phải thực hiện cả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, do vậy khi có tình huống thiên tai xảy ra, nhân lực cũng bị dàn trải, mỏng hơn, chính vì vậy mỗi địa phương cần có các kịch bản, phương án phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. 

Ngoài ra, cũng cần ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thuỷ văn, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng.

Đặc biệt, các địa phương cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phòng chốn thiên tai, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức sâu rộng đến quần chúng nhân dân về các kĩ năng ứng phó thiên tai.

Làm rõ trách nhiệm các cấp khi có tình huống khẩn cấp về thiên tai

Ngày 6/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều (Nghị định 66). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2021, với những điểm mới nhằm tháo gỡ những khó khăn lâu nay trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).

Một nội dung đáng chú ý của Nghị định trên là đề xuất quy định trách nhiệm và trình tự quyết định công bố tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Cụ thể, theo Nghị định, tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng như sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, bến cảng quốc gia, hệ thống lưới cao thế từ 66KV trở lên, các khu di tích lịch sử cấp quốc gia, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.

Việc phân cấp công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sẽ giúp địa phương chủ động ứng phó. Trong ảnh là tình trạng sụt lún, sạt lở do thiên tai ở Cà Mau.
Việc phân cấp công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sẽ giúp địa phương chủ động ứng phó. Trong ảnh là tình trạng sụt lún, sạt lở do thiên tai ở Cà Mau.

Cũng theo quy định tại Nghị đinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Các biện pháp chính gồm: Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm; bố trí đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán; Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn;

Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để giúp nhân dân xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;

Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai; Các biện pháp cần thiết khác;

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo thẩm quyền.

Nghị định 66 cũng quy định rõ về việc hỗ trợ về hàng hóa, dân sinh khắc phục hậu quả thiên tai; Hỗ trợ về nhà ở bị thiệt hại do thiên tai.

Việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai sẽ có tác động xã hội, góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và của khi thiên tai xảy ra.

Trong thực tiễn và thiên tai tại Việt Nam xảy ra quanh năm, ở hầu khắp các vùng miền, công tác phòng, chống thiên tai đòi hỏi tính cấp bách, kịp thời để xử lý ngay các sự cố giờ đầu nhất là đảm bảo các công trình trọng yếu như đê điều, hồ đập, nếu chỉ quy định một cấp sẽ xảy ra tình trạng quá tải, không đáp ứng được tính cấp thiết. Thứ hai, khi phân cấp nó sẽ quy định rõ trách nhiệm và tạo cơ chế chủ động ứng phó, xử lý với các tình huống thuộc thẩm quyền của từng cấp

Thứ ba, việc phân cấp còn phù hợp với chủ trương dành sự chủ động cho chính quyền địa phương theo phương châm 4 tại chỗ. 

Ngoài ra, việc quy định như trên sẽ làm rõ trách nhiệm của các cấp khi tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra, cụ thể như Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ.

---

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.