Làm rõ mục tiêu giáo dục đào tạo trong Hiến pháp

Làm rõ mục tiêu giáo dục đào tạo trong Hiến pháp

(GD&TĐ)-Sáng nay (28/2), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Về cơ bản, các đại biểu tại hội nghị đều bày tỏ sự nhất trí dự thảo sửa đổi, bổ sung đã giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và làm rõ hơn sự tiến bộ xã hội. Những ý kiến góp ý tập trung chủ yếu vào nội dung giáo dục - đào tạo như mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục, vấn đề trách nhiệm nhà nước với giáo dục đào tạo…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh cho rằng, Điều 42 quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, nên sửa thành “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời”. Đây là một tư tưởng mới cần đưa vào Hiến pháp. Nếu chỉ có quyền học tập thì chưa đủ vì còn sẽ được đưa vào các văn bản luật, dưới luật. Góp ý Điều 66 về giáo dục, ông Hinh cho rằng, phần viết về mục tiêu giáo dục cần rõ ràng, đầy đủ hơn để làm bật được cả dạy chữ và dạy người.

Cũng tập trung góp ý về Điều 66, ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT tán thành cách sắp xếp khá khoa học của Ban soạn thảo khi gộp Điều 35 và 36. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 66 có ghi “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục…”, ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng cần thêm một cụm từ: “xây dựng đội ngũ nhà giáo”. Cụ thể sửa lại: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên xây dựng đội ngũ nhà giáo, đầu tư tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục…”.

Đề cập đến vấn đề học tập suốt đời, đại biểu Ngô Mạnh Hải – Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) góp ý: Nghị quyết TW 6 có nêu xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời, nhưng cả Điều 42 và Điều 66 của Dự thảo không toát lên được tư tưởng lớn này. Việc xây dựng học tập suốt đời là xu thế của thời đại nên ngành giáo dục cần đầu tư, suy nghĩ để đóng góp ý kiến sao cho có thể lồng ghép được vấn đề này vào Hiến pháp.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất Điều 66 cần bổ sung câu từ để thể hiện rõ hơn việc phát triển giáo dục không chỉ bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân mà tạo ra những con người có lòng yêu nước, có niềm tự hào dân tộc; đồng thời đề nghị cần có một buổi hội thảo để góp ý riêng cho 2 điều trên.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Nguyễn Thị Thu Huyền góp ý về quyền của người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn và cho rằng, việc sửa đổi nội dung về quyền của người khuyết tật là “được học văn hóa và học nghề” là chưa đầy đủ. Họ cũng có đầy đủ quyền công dân và được Đảng, Nhà nước đối xử công bằng. Vì vậy, nên sửa thành “được học theo nhu cầu” để không giới hạn nhu cầu học tập, nghiên cứu của người khuyết tật giống như các công dân khác.

Biểu dương sự đầu tư kỹ lưỡng, các ý kiến đóng góp tập trung, tâm huyết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh đến Điều 66 và đề nghị Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo văn bản chỉnh sửa, bổ sung điều này trình lên Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp, làm sao để mục tiêu giáo dục cũng như vấn đề trách nhiệm nhà nước với giáo dục đào tạo rõ ràng hơn… 

Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36)

1. Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

2. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác. 

3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hoá và học nghề phù hợp.

 Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ