Làm rõ định danh, chế độ: Mong muốn của nhà giáo

GD&TĐ - Làm rõ khái niệm cùng các tiêu chuẩn, chức danh, đãi ngộ và bồi dưỡng nhà giáo góp phần khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội của các thầy cô...

Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: INT
Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: INT

Nhà giáo phải đạt chuẩn nghề nghiệp

Sau phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Tại hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT tổ chức tại TPHCM (ngày 19/1), chính sách liên quan đến định danh; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo được nhiều chuyên gia quan tâm, thảo luận.

Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), nhà giáo dự kiến được quy định là người đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo gồm các tiêu chí áp dụng cho từng chức danh nhà giáo ở mỗi cấp học và trình độ đào tạo để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là căn cứ để tuyển, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sa thải và đánh giá phẩm chất năng lực nhà giáo.

Đáng chú ý, lần đầu tiên chính sách về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được đưa ra. Nhà giáo được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển, ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần thực hiện chế độ tập sự. Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, giáo viên có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác.

ThS Nguyễn Hải Ninh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen băn khoăn việc định danh nhà giáo với những người làm công tác quản lý trong trường đại học. “Cấp quản lý ở các trường đại học không đứng lớp giảng dạy, ví dụ trưởng phòng đào tạo hoặc trưởng phòng tổ chức nhân sự, thì có được coi là nhà giáo không”, ông Ninh nói, đồng thời đề nghị Luật Nhà giáo cần làm rõ.

Về giấy chứng nhận nghề nghiệp, ông Ninh ủng hộ và đánh giá, đây là đề xuất hay. Theo đó, nên xây dựng giấy chứng nhận theo hướng như một chứng chỉ hành nghề. Hiện, nguồn giảng viên đại học được lấy từ thạc sĩ, tiến sĩ. Ở các trường tư thục, giảng viên không có giai đoạn tập sự chỉ thử việc để trở thành giảng viên chính thức.

“Do đó, nên có kỳ sát hạch để người đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nhận được chứng chỉ và có thể sử dụng trong phạm vi toàn quốc. Theo định kỳ, nên xem xét lại trình độ, năng lực, phương pháp giảng dạy, tác phong, đạo đức của giảng viên”, ThS Ninh đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Anh Thủy - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang tỏ ra băn khoăn về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, nếu không được phân chia theo cấp độ. “Ví dụ, giáo sư, phó giáo sư là những người có chuyên môn tốt, về lĩnh vực học thuật, thì cần làm thủ tục gì và ai cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp này cho họ. Việc có thêm một chứng nhận nghề nghiệp thì phân cấp thực hiện thế nào, có xung đột các chức danh, học hàm, học vị hiện có hay không?”, ông Thủy nói.

PGS Bùi Anh Thủy cũng cho rằng, khó áp dụng miễn chế độ tập sự khi nhà giáo thuyên chuyển công tác nếu người đó có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Bởi hiện nay, các trường đại học tự chủ, có quyền tuyển dụng hoặc từ chối bất kỳ ai. Quy định này sẽ gặp những trở ngại với các trường đại học tự chủ hoàn toàn.

Theo TS Diệp Phương Chi - giảng viên chính, Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM), trong chính sách về tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, nên quy định tiêu chuẩn về năng lực nhà giáo. Năng lực này gồm: Chuyên môn, dạy học và giáo dục người học. Cụ thể, bên cạnh việc xác định nhà giáo cần có năng lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, còn cần nhấn mạnh năng lực giáo dục người học về đạo đức, tình cảm, lối sống, tính nhân văn, nhân bản và truyền thống văn hóa dân tộc.

Giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, Quận 1, TPHCM đang trông, dạy trẻ. Ảnh: Mạnh Tùng

Giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, Quận 1, TPHCM đang trông, dạy trẻ. Ảnh: Mạnh Tùng

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo

Một chính sách khác được các chuyên gia quan tâm khi góp ý xây dựng Luật Nhà giáo là đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Chính sách này nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đội ngũ; đãi ngộ xứng tầm vị thế, vai trò nhà giáo, giúp họ an tâm và công tác lâu dài trong ngành Giáo dục.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, chính sách về tiền lương của nhà giáo được dự kiến bao gồm tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và chính sách theo lương cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập và tự chủ không ít hơn nhà giáo cùng trình độ đào tạo, thâm niên, chức danh trong cơ sở công lập.

Cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học có nhiệm vụ đào tạo giảng viên giảng dạy môn chuyên ngành của cơ sở mình thông qua tuyển dụng ứng viên là sinh viên có bằng tốt nghiệp cử nhân loại giỏi trở lên ở chuyên ngành đó; người có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ loại giỏi trở lên ở chuyên ngành đó. Học phí đào tạo, học bồi dưỡng do cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học chi trả.

TS Diệp Phương Chi đề xuất bổ sung kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi trong diện tuyển dụng để trở thành giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ. “Tuyển dụng giáo viên, bên cạnh bằng cấp, nên bổ sung thêm tiêu chí ưu tiên nhân cách, thái độ và phẩm chất tích cực của nhà giáo trong tuyển dụng và đánh giá”, TS Chi kiến nghị.

Ngoài ra, trong công tác đào tạo giảng viên, bên cạnh năng lực sư phạm theo phương thức trực tiếp (truyền thống), cần bổ sung, nhấn mạnh các yêu cầu về năng lực sư phạm theo phương thức phi truyền thống (dạy học trực tuyến đồng bộ, trực tuyến không đồng bộ, kết hợp - blended, phối hợp - hybrid). Việc này giúp giảng viên thích ứng linh hoạt với bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.

TS Thái Thị Tuyết Dung - Phó Trưởng ban Thanh tra - Pháp chế (Đại học Quốc gia TPHCM) đặt vấn đề về nhà giáo nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam trong Luật Nhà giáo. Theo TS Dung, hiện có hơn 1,5 triệu nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục, đa số là viên chức. Tuy nhiên, Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với những nhà giáo Việt Nam (viên chức là công dân Việt Nam), chưa có quy định “riêng biệt”, “đặc thù” đối với nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy. Điều này dẫn đến thực tế, các cơ sở giáo dục khi áp dụng và triển khai quy trình tuyển dụng, tiếp nhận nhà giáo nước ngoài, cũng như cơ chế chính sách dành cho đối tượng này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ