Làm giàu từ trồng nho cho khách tham quan

GD&TĐ - Mô hình trồng nho kết hợp tham quan của anh Hoàng Thanh Minh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) được đánh giá thành công nhất nhì tại xứ Thanh.

Anh Hoàng Thanh Minh chia sẻ về quá trình trồng và chăm bón cây nho.
Anh Hoàng Thanh Minh chia sẻ về quá trình trồng và chăm bón cây nho.

Ngoài doanh thu từ sản phẩm, vợ chồng anh Minh còn kiếm bạc triệu mỗi ngày từ khách tham quan.

Chong đèn tìm bắt sâu bọ

Khu vườn nho của gia đình anh Hoàng Thanh Minh (36 tuổi), ở xã Đồng Lợi (Triệu Sơn, Thanh Hóa), những ngày này nườm nượp du khách đến tham quan. Thậm chí, vào những ngày cuối tuần, ô tô ken kín con đường dẫn vào khu vườn nho được vợ chồng 8X dày công chăm bón.

Mô hình trồng nho kết hợp tham quan được anh Minh mạo hiểm triển khai từ năm 2020, với diện tích khoảng 3.000 m2, chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Đến nay, vườn nho đã cho thu hoạch vụ thứ 2 với sản lượng trên 1 tấn, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, người đàn ông cười lớn nói: “Đã có thời điểm, vợ chồng tôi chán nản muốn từ bỏ”. Dù mới ngoài 30 tuổi nhưng trông anh Minh có phần già dặn, khuôn mặt sạm đen vì những ngày làm lụng vất vả.

Anh Minh kể, hồi mới chuyển đổi một phần diện tích trồng ổi sang cây nho, gia đình ai cũng phản đối vì cho rằng, cây nho sẽ khó phát triển với khí hậu miền Bắc. Tuy nhiên, anh Minh quyết mạo hiểm vay mượn ngân hàng trồng 300 gốc nho Hạ Đen. Đồng thời, liên kết với Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang chuyển giao kỹ thuật trồng giống nho này.

“Thời gian đầu chăm bón, vợ chồng tôi cũng gặp muôn vàn khó nhọc. Cây nho tuy không chết, nhưng sức phát triển rất chậm. Thậm chí, vào mùa Đông, cây chỉ còn trơ thân khiến mọi người cho rằng tôi đã thất bại”, anh Minh bộc bạch.

Không từ bỏ, vợ chồng anh Minh vẫn túc tắc chăm bón cho vườn nho, với niềm hy vọng không lâu sau cây sẽ đơm hoa, kết trái. Trải qua mùa Đông lạnh giá, khi Xuân về cây nho bắt đầu ra lộc, trở nên xanh tốt mơn mởn.

Tuy nhiên, lúc này vườn nho lại xuất hiện sâu bọ, đặc biệt là loài bọ cánh cứng chuyên gặm nhấm lá cây. Quyết không để công sức đổ sông đổ bể, anh Minh miệt mài bắt từng con bọ cánh cứng. “Chúng thường gặm lá vào ban đêm nên phải đeo đèn lật lá bắt từng con. Nhiều hôm dù đã 12 giờ khuya nhưng 2 vợ chồng vẫn cặm cụi ngoài vườn”, anh Minh kể.

Với lợi thế tốt nghiệp chuyên ngành Nông nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức nên anh Minh có ít nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây trồng. Để cây sinh trưởng khỏe mạnh, anh sử dụng phân gà hoai mục ủ với lân và Trichoderma khoảng 3 tháng rồi bón thúc cho cây sau mỗi vụ thu hoạch.

Ngoài ra, anh Minh còn kết hợp sử dụng phân chuồng giúp đất tơi xốp. Đặc biệt là sử dụng hạt đậu nành xay nhỏ ủ với men để tăng cường cung cấp dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh.

“Cây nho vốn không ưa ngập úng, nhưng vẫn cần độ ẩm để sinh trưởng và phát triển. Trung bình, cứ 2 ngày chúng tôi sẽ cung cấp khoảng 2 lít nước cho mỗi gốc nho kết hợp cung cấp dinh dưỡng cho cây khoảng 2 lần mỗi tuần. Cách làm này giúp cây hấp thụ dinh dưỡng một cách tối đa mà không bị dư thừa lãng phí”, anh Minh bật mí.

Không chỉ kỳ công chăm bón dinh dưỡng, vợ chồng anh Minh còn duy trì ngắt ngọn. Hễ cành lên được 3 lá non thì phải lập tức ngắt ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân. “Nếu để cành lá phát triển tự nhiên giống như nhiều gia đình vẫn hay trồng trong vườn nhà thì rất khó để cây đậu quả”, anh Minh nói.

Khi cây nho bắt đầu đậu trái cũng là thời điểm bận rộn nhất vì phải cắt tỉa bớt quả bị chẹt. Lúc này, vợ chồng anh Minh phải thuê từ 10 - 15 lao động mới kịp tiến độ công việc. Theo chủ vườn, từ khi đậu trái đến lúc thu hoạch, phải cắt tỉa tổng cộng khoảng 3 lần như vậy.

Du khách tham quan và trải nghiệm hái nho.

Du khách tham quan và trải nghiệm hái nho.

Làm nông nghiệp kết hợp tham quan

Năm 2021, vườn nho bắt đầu cho ra bói, với sản lượng gần 1 tấn khiến vợ chồng anh Minh mừng “rớt nước mắt”. Sau khi trừ hết chi phí, vợ chồng anh lãi trên 100 triệu đồng.

Vụ thu hoạch vừa rồi, vợ chồng anh thu được 1,5 tấn nho, mang về khoảng 200 triệu đồng. Anh Minh cho biết, mỗi năm cây nho cho 2 vụ quả, trung bình một gốc nho cho khoảng 10 chùm quả (tương đương khoảng 5kg). Càng những năm về sau, chất lượng càng tốt vì cây đã trưởng thành và cứng cáp.

Ngoài thu hoạch quả, vợ chồng anh Minh còn kết hợp làm du lịch tham quan. Từ cuối năm ngoái, rất nhiều trường mầm non, tiểu học cho học sinh đến trải nghiệm tại vườn nho. Trung bình mỗi ngày, vườn nho của vợ chồng anh Minh đón khoảng vài trăm khách. Ngày cao điểm lên tới cả nghìn khách, mang về doanh thu khoảng 20 triệu đồng/ngày.

“Khi các con đến tham quan, trải nghiệm tại vườn, tôi trực tiếp giới thiệu cho các con về quy trình trồng và thu hoạch nho sẽ trải qua những công đoạn gì. Chùm nho trông như thế nào thì được thu hoạch... Đặc biệt, các con được tận tay cắt những chùm nho chín mọng nên vô cùng hứng thú”, anh Minh chia sẻ.

Hiện tại, quy mô vườn nho của gia đình anh Minh có khoảng 800 gốc nho, trong đó có khoảng 500 gốc nho Mẫu Đơn, còn lại là giống nho Hạ Đen. Thời gian tới, vợ chồng anh chị dự định mở rộng diện tích trồng thêm khoảng 3.000m2 để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vườn nho của anh Minh thu hút nhiều trường mầm non, tiểu học tham quan và trải nghiệm hái nho.

Vườn nho của anh Minh thu hút nhiều trường mầm non, tiểu học tham quan và trải nghiệm hái nho.

Cô Lê Thị Nguyệt - giáo viên Trường Mầm non Talent Kids Thanh Hóa - cho biết: Nhà trường đã 2 lần tổ chức cho các con tham quan vườn nho của vợ chồng anh Minh. Lần tham quan gần nhất vào tháng 6 vừa qua, với gần 200 em tham quan trải nghiệm.

“Qua 2 lần tham quan, tôi đánh giá khá cao về cách làm nông nghiệp giáo dục của vợ chồng chủ vườn. Khi tham quan vườn nho, các con được tự tay cắt những chùm nho chín mọng nên các bạn nhỏ rất háo hức, có thể nói đây là một trải nghiệm tuyệt vời”, cô Nguyệt chia sẻ.

Ông Vũ Quang Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) - cho biết: Ở Thanh Hóa hiện có một số mô hình trồng nho theo hướng hữu cơ tại Thường Xuân, Đông Sơn và Triệu Sơn, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xem xét và đánh giá trong việc nhân rộng mô hình này. Bởi, cây nho khá khó tính trong việc trồng và chăm sóc, nhất là với điều kiện thời tiết đặc trưng như ở Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ