Tiếp đến, những người có tiếp xúc gần với F1 gọi là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác là F4, F5..
Bệnh nhân F0 (dương tính hoặc được xử lý như dương tính) được điều trị tại bệnh viện.
Trường hợp F1 (tiếp xúc ca trực tiếp dương tính) được cách ly theo nguyên tắc đưa đến bệnh viện gần nhất, tiện nhất.
F2 (tiếp xúc F1) làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế (có thể cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung).
Biện pháp cách ly tại nhà (nơi lưu trú) được áp dụng với những người F2 (tiếp xúc F1), F3 (tiếp xúc F2) và F4 (tiếp xúc F3). Những người này phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Làm gì khi cách ly tại nhà:
Người được cách ly tốt nhất nên ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng.
Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú. Những người này cần tự theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
Hàng ngày, người cách ly tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần sáng - chiều, ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe. Sau đó, thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng - chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
Thông báo ngay cho cán bố y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.
Cần làm gì khi gia đình có người thuộc diện cách ly:
Đối với thành viên hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly tại nhà, ngành y tế khuyến cáo:
- Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc.
- Hàng ngày, lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng, tẩy rửa.
- Giúp đỡ, động viên với người được cách ly.
- Thông báo cho cán bộ y tế khi người cách ly có triệu chứng mắc bệnh.
- Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dụng cụ sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly nếu có yêu cầu.
- Không tổ chức hoạt động đông người tại nhà.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông.
Rửa tay và sát khuẩn đường hô hấp là những việc làm không thể thiếu nếu muốn phòng tránh virus Covid-19, bất kể khi ở nhà hay khi ra ngoài về. Những nơi công cộng hay ngoài đường, nơi làm việc luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phải tiếp xúc với nhiều người, cầm nắm vào nhiều vật. Những hoạt động này vô tình trở thành trung gian lây nhiễm virus Corona mạnh nhất. Rửa tay với xà phòng sau khi ra ngoài trở về nhà sẽ giúp loại bỏ virus dính trên tay, hơn nữa cũng giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh cho những thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh đó, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, người từng trực tiếp điều trị thành công cho bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm Covid-19 chia sẻ: Người dân có thể phòng tránh Covid-19 tại nhà hiệu quả hơn bằng cách súc họng với dung dịch sát khuẩn. Việc sử dụng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng để súc miệng cũng cần phải đúng cách mới hiệu quả. Bởi vì mỗi loại dung dịch có khả năng diệt virus trong những khoảng thời gian khác nhau, có loại tác dụng chỉ kéo dài trong vòng 1 - 2 giờ sau khi súc họng nhưng có loại tác dụng có thể dài hơn 4 giờ.
Khi từ ngoài đường về nhà, bạn nên sát khuẩn thật kỹ, lau rửa tay, giặt khẩu trang, găng tay, lau sạch các đồ dùng cá nhân như điện thoại, ví tiền, chìa khóa cũng như các vị trí hay tiếp xúc như nắm cửa, tay vịn cầu thang... lau dọn nhà cửa thường xuyên.