Làm gì khi trẻ tự kỷ hay la hét?

GD&TĐ - Một trong những khó khăn của trẻ tự kỷ là rối loạn giác quan. Môi trường ồn ào, có quá nhiều người xung quanh, hoặc bị người khác làm phiền có thể khiến trẻ không thể chịu được. Vì vậy, trẻ sử dụng la hét như một lời cảnh báo.

Trẻ thường la hét, ăn vạ để thu hút sự chú ý. Ảnh minh họa.
Trẻ thường la hét, ăn vạ để thu hút sự chú ý. Ảnh minh họa.

Xác định nguyên nhân

Theo thống kê, số trẻ mắc tự kỷ đang có dấu hiệu tăng. Cứ khoảng 500 trẻ thì có 1 trẻ mắc tự kỷ. So với trẻ bình thường, trẻ tự kỷ thường ít tương tác xã hội, ít có cử chỉ giao tiếp, không chơi với bạn cùng tuổi, không chia sẻ hay quan tâm tới người khác.

Trẻ tự kỷ cũng chậm biết nói, hay nói nhại và hay có những phát âm vô nghĩa, có những hành vi kỳ quặc... Trẻ tự kỷ thường có biểu hiện la hét, dễ bị kích động, cáu gắt và nặng hơn là tự làm đau bản thân.

Không ít phụ huynh lo ngại khi không biết vì sao trẻ tự kỷ hay la hét. Nhiều ông bố bà mẹ cũng “đau đầu” khi không rõ nên làm thế nào để đối phó với tình trạng này ở trẻ. La hét ở trẻ tự kỷ là một hành vi có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu hoặc bực bội. Đặc biệt, nếu hành vi này xảy ra ở nơi công cộng, phụ huynh sẽ càng lúng túng khi người khác nhìn chằm chằm vào con mình. Để khắc phục tình trạng trẻ tự kỷ hay la hét, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phải xác định nguyên nhân của nó.

Bác sĩ Đặng Thị Thanh Tùng - Đơn nguyên Kỹ thuật cao Điều trị bại não và Tự kỷ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Hành động la hét thường xảy ra khi trẻ tự kỷ không thích, không vừa lòng hoặc bộc lộ sự mong muốn được quan tâm chú ý, báo với chúng ta thông điệp nào đó.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bản thân trẻ tự kỷ cũng không điều khiển được hành động la hét này. Trẻ tự kỷ thường sống trong thế giới của riêng mình. Đa số trẻ không thích bị làm phiền, không thích chơi với các bạn cùng lứa tuổi và không thích làm điều mình không muốn”.

Theo chuyên gia này, một trong những khó khăn của trẻ tự kỷ là rối loạn giác quan. Môi trường ồn ào, có quá nhiều người xung quanh, hoặc bị người khác làm phiền có thể khiến trẻ không thể chịu được. Vì vậy, trẻ la hét để cảnh báo, tố cáo. Đối với nhiều trẻ tự kỷ, la hét cũng được hiểu là sự phản đối khi không hài lòng.

Một yếu tố khác khiến trẻ tự kỷ hay la hét, ăn vạ là có khó khăn về ngôn ngữ cũng như nhận thức. Khi nhận thức hạn hẹp và ngôn ngữ bị hạn chế, trẻ thiếu kỹ năng thương lượng giao tiếp để đạt hiệu quả. Vì thế, trẻ bộc lộ phản ứng ra bên ngoài bằng âm thanh.

Thay vì ngôn ngữ, trẻ sử dụng các âm thanh la hét với cường độ khác nhau. Việc thu hút sự chú ý của người khác bằng cách ăn vạ và la hét thường xảy ra ở cả trẻ có nhận thức bình thường và tự kỷ.

Nếu nhịn ăn, trẻ có thể sẽ ăn nhiều hơn vào lần sau. Ảnh minh hoạ.

Nếu nhịn ăn, trẻ có thể sẽ ăn nhiều hơn vào lần sau. Ảnh minh hoạ.

Xoa dịu trẻ

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tự kỷ ở trẻ em, trong đó có việc trẻ tự kỷ hay la hét. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kết hợp những phương pháp khoa học sẽ mang đến nhiều hiệu quả tích cực đối với trẻ. Trong trường hợp phát hiện trẻ có những biểu hiện của chứng tự kỷ, cha mẹ cũng nên đưa con đến bệnh viện hoặc các trung tâm chuyên điều trị tự kỷ ở trẻ em. Nhờ đó, tìm hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng. Đồng thời, cùng các bác sĩ đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp nhất với trẻ.

Bác sĩ Thanh Tùng chia sẻ, khi trẻ tự kỷ hay la hét, trước hết, cha mẹ có thể cố gắng an ủi, xoa dịu những cơn giận dữ của con. Đồng thời, có chiến lược quản lý hành vi của trẻ hợp lý. Ví dụ, phụ huynh có thể vờ như không quan tâm, phớt lờ hành vi ăn vạ, la hét, nếu biết đó là việc làm nhằm gây chú ý.

Trong trường hợp trẻ cảm thấy thực sự bất an, cha mẹ có thể vỗ về, xoa dịu con. Một phương pháp khác là có thể làm theo hành vi đó của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ nhận thấy rằng, hành vi đó là vô lý và dừng lại.

Song, chuyên gia lưu ý, cha mẹ tuyệt đối không đánh, mắng, sử dụng bạo lực với trẻ. Hãy xoa dịu con bằng sự quan tâm, lời nói và ánh mắt. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cho con tham gia vào những công việc đơn giản trong gia đình.

Nhờ đó, trẻ có thể làm quen với một số kỹ năng, tăng khả năng phản xạ và kích thích giao tiếp. Phụ huynh cũng nên thường xuyên khen ngợi và ghi nhận trẻ bằng nhiều cách: Khen ngợi bằng lời, thưởng đồ trẻ thích, ôm trẻ... tùy theo sở thích của mỗi bé.

“Khi có con bị tự kỷ hay la hét, ăn vạ, cha mẹ không nên giấu bệnh mà cần chia sẻ với những người xung quanh như họ hàng, láng giềng, cô giáo. Nhờ đó, để mọi người biết và cùng quan tâm, giúp đỡ trẻ.

Đối với trẻ tự kỷ hay la hét, cần cho bé hoà nhập với các bạn, bằng cách đi nhà trẻ, hay cho chơi cùng các bé khác. Không nên nghĩ vì trẻ bị tự kỷ hay la hét mà tách bé ra khỏi các bạn cùng lứa tuổi”, bác sĩ Thanh Tùng khuyến cáo.

Chuyên gia này lý giải, việc thường xuyên được tiếp xúc với bạn bè sẽ giúp tinh thần trẻ thoải mái. Đồng thời, giúp trẻ tăng khả năng nhận thức, giao tiếp, cũng như tương tác với xã hội.

Bác sĩ Thanh Tùng cho biết, điều quan trọng nhất là cha mẹ hiểu về con, đọc sách, học kỹ năng để có thể tự giúp và hỗ trợ trẻ hằng ngày. Mặt khác, phụ huynh có thể nhờ đến các trung tâm điều trị tự kỷ để được giáo viên, chuyên viên trị liệu hỗ trợ đánh giá định kỳ khó khăn cũng như theo dõi phát triển của trẻ.

Cha mẹ cũng được khuyến khích thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời. Không nên để trẻ trong nhà và cho tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, tivi. Bởi, những thiết bị này có thể khiến hội chứng của trẻ nặng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ