NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, trước khi có kịch nói Việt Nam, sân khấu nước ta vốn chỉ có những loại hình sân khấu truyền thống: Chèo, tuồng, cải lương, rối nước… Riêng thể loại kịch du nhập từ Pháp đến nay đã gần 100 tuổi. Đây là kết quả từ sự “hợp hôn” giữa sân khấu Việt Nam truyền thống và sân khấu phương Tây.
Nửa đầu thế kỷ 20, kịch nói tồn tại với sự tài tử, nghiệp dư ở mọi phương diện kịch bản, dàn dựng, diễn xuất, thưởng thức. Sự tài tử này chỉ chấm dứt sau năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nhà nước bắt tay vào chuyên nghiệp hóa thể loại kịch Việt Nam và cử người đi học. Sân khấu Việt Nam hiện đại vì thế dần chuyên nghiệp, cho đến thập niên 70, 80 thì sáng đèn hàng đêm, người xem chật kín rạp.
Tuy nhiên từ khoảng trước năm 2000, sân khấu kịch nói rơi vào khủng hoảng, người xem thưa thớt, và vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Thực ra, đó không chỉ là thực trạng của kịch nói mà là tình trạng chung của sân khấu Việt.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải đổi mới tạo sự đột phá cho sân khấu.
Thế nhưng chúng ta biết rằng, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, sân khấu cũng như kịch nói luôn đổi mới để tạo sự kích thích thu hút người xem. Vậy bây giờ cần đổi mới điều gì, và làm gì để tạo đột phá?
Nếu cứ vẫn bài ca muôn thuở: Kinh phí hạn hẹp, kịch bản thiếu và yếu, tuyển diễn viên và đào tạo thế hệ mới rất khó khăn… Rồi đề xuất đổi mới, kiểu: Đưa đi giao lưu cọ xát với nước ngoài, học hỏi kỹ năng mới, hiện đại hoá sân khấu truyền thống…
Thì xin thưa! Đó không phải là đổi mới, và cũng không thể tạo đột phá. Những điều này chúng ta đã làm, đang làm và chẳng có hiệu quả gì giúp cho sân khấu sáng đèn và ăm ắp khán giả như những năm 80 - 90 của thế kỷ trước.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho nền sân khấu cũng như kịch nói thưa vắng khán giả chính là sự dịch chuyển của nhu cầu xã hội. Càng hiện đại, càng nhiều loại hình lẫn phương thức giải trí phong phú, hà cớ gì người ta phải đến sân khấu kịch ở khoảng thời gian cố định?.
Một thời gian dài hoạt động theo chỉ tiêu, trên rót xuống nhiều thì dựng nhiều vở, rót ít thì dựng cầm chừng. Sự trì trệ này kéo dài trong nhiều năm khiến các nghệ sĩ ở nhà hát công lập bị bào mòn tài năng.
Rồi tâm lý “thầy già vẫn sợ con hát trẻ” đã khiến cho tư tưởng táo bạo lỡ mất thời cơ. Đến khi muốn đổi mới, thì ý tưởng hay đã thành lỗi thời. Đó là chưa nói đến tệ bè phái “yêu nâng vai chính - ghét đè vai phụ”, khiến cho nghệ thuật bị ấm ức hơn là thăng hoa sáng tạo.
Đổi mới luôn là điều cần thiết của bất cứ ngành nghề nào chứ không riêng nền sân khấu hay kịch nói. Tuy nhiên đổi mới theo phương thức nào để sân khấu (kịch nói) có người đến nghe luôn là một bài toán khó.
Và nhìn xa hơn, nếu có thu hút được khán giả thì làm gì để giữ chân họ mới là chiến lược trọn vẹn để tạo đột phá cho nền sân khấu.