Sắc mới từ festival
Đã đi qua 10 mùa trong 20 năm qua, Huếngày càng khẳng định thương hiệu của mình trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới. Cũng từ đây, không chỉ Huế, mà văn hóa Việt Nam nói chung được khoe sắc, được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các nước trên thế giới...
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó thường trực BTC Festival Huế 2020, Festival Huế 2020 diễn ra từ ngày 1 – 6/4/2020 đang ôm chứa nhiều “tham vọng” trong chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế luôn luôn mới”. Với quyết tâm phải là nơi quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc. Nó phải mang dấu ấn những vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới. Coi đây là cơ hội để quảng bá Huế - thành phố văn hóa, di sản, festival, du lịch xanh. Festival Huế 2020 đã nỗ lực làm mới mình trong từng hoạt động.
Bên cạnh một Lễ Tế giao là một chương trình sân khấu hóa mang tên “Văn hiến kinh kỳ”. Đây là chương trình nghệ thuật kể câu chuyện lịch sử hào hùng ở thế kỷ 19 của nước Việt bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và truyền thống Huế. Cũng dịp này, những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật bài chòi, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt... được trình diễn. Giữa sắc màu âm nhạc truyền thống ấy là không gian âm nhạc đương đại với nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn. Đây là chương trình được gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức cùng một “nhã ý” rất đặc biệt: Nếu khán giả mặc áo dài đến sự kiện sẽ được ưu tiên vào cửa.
Một loạt lễ hội như áo dài, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Sắc màu văn hóa”, liên hoan Múa quốc tế 2020... sẽ khiến Huế không còn “trầm mặc” mà trở nên tươi thắm. Năm 2002, lần đầu tiên lễ hội áo dài được tổ chức và đã tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam. Nếu như ở các kỳ festival trước, lễ hội áo dài chỉ trình diễn bộ sưu tập của các nhà thiết kế, thì lễ hội áo dài của Festival 2020 còn có lễ tôn vinh người khai sáng áo dài Việt – Chúa Nguyễn Phúc Khoát, cũng như đẩy mạnh các hoạt động phục hồi hình ảnh áo dài trong cộng đồng.
Trong khi đó, tại lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực”, dòng ẩm thực cung đình sẽ hiện diện cùng dòng dân gian, ăn chay... Còn tại lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, bên cạnh chuỗi trình diễn đa dạng, độc đáo của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thì lần đầu tiên công chúng được thưởng ngoạn một số lễ rước đám cưới truyền thống của người Dao đỏ, Ê đê, Chăm, Pa cô...
Làm mới từ bảo tồn vốn cũ
Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh rằng, mục tiêu xuyên suốt xây dựng Thừa Thiên – Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa, cố đô di sản.
Ông Dung cho biết, Huế là một thành phố di sản, một kinh đô còn lại của nước ta được giữ gìn nguyên vẹn nhất. Bản sắc văn hóa của Huế cũng khác biệt với nhiều tỉnh thành trên cả nước khi không phải nơi nào cũng có những di sản đặc trưng, đặc biệt như ở Huế. Điển hình nhất là Đại nội Huế - một điểm thu hút khách tham quan cả ngày lẫn đêm.
Hàng năm, số lượng khách du lịch đến Huế tăng 10%, trong đó, khách nước ngoài phần lớn đến từ các nước châu Âu. Khách du lịch hứng thú với di sản thường đến từ các nền văn hóa cao, luôn tìm đến Huế để tìm hiểu về câu chuyện bảo tồn và phát triển di sản trong không gian đô thị văn mình như thế nào.
“Khi thực hiện làm mới khu Hoàng thành, chúng tôi thấy rằng cha ông ta ngày xưa giàu thật. Việc sửa chữa lại cực kỳ tốn kém mà cũng chưa đi đến đâu. Hiện nay, chúng tôi đang làm một cuộc di dân vĩ đại, hai mươi ngàn người dân sẽ rời khỏi khu kinh thành để trả lại vẻ đẹp vốn có của kinh thành Huế. Điều đáng mừng, dù đây là một cuộc di dân với quy mô lớn chưa từng có nhưng chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của người dân.
Có thể nói, bước tiến về nhận thức bảo vệ di sản của nhân dân thành phố Hếu hôm nay thật đáng trân trọng. Sau khi thực hiện xong cuộc di dân, với quan điểm không chèn thêm công trình xây dựng mới, không gian di sản này được chúng tôi phục hồi, giữ nguyên trạng bằng việc trồng cỏ. Có thể nói, để làm mới vẹn nguyên di sản cũ thì cần nhiều thời gian, và cần một nguồn lực lớn” – ông Nguyễn Dung nhấn mạnh.
Theo ông Phan Văn Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, giữ gìn di sản đặt trong xu hướng phát triển là điều không dễ. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành, bài toán này còn cần trách nhiệm của cả cộng đồng. Cụ thể, tại Festival Huế 2020, BTC tập trung khai thác yếu tố cộng đồng nhằm hướng đến mỗi một người dân và du khách đều là chủ thể lễ hội. Còn về lâu dài, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác giáo dục di sản văn hóa Huế tại các trường học. Đấy cũng là cách bảo tồn mà phát triển di sản văn hóa Huế từ thế hệ tương lai.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế,
Phó Trưởng ban Thường trực BTC Festival Huế 2020