Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta thoải mái ăn đường và thực phẩm chứa đường. Các nghiên cứu đã chứng minh, chế độ ăn với thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường là khởi đầu của nhiều bệnh mãn tính. Nhanh nhất, dễ nhận thấy nhất là béo phì, tiểu đường.
Bệnh tật ẩn sau sự ngọt ngào
Trong 4 vị cay, đắng, mặn, ngọt, có lẽ thực phẩm chứa vị ngọt luôn được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi dễ ăn, dễ thưởng thức. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hàng loạt sản phẩm được tung ra thị trường với màu sắc, hình dáng bắt mắt và độ ngọt -nhạt khác nhau.
Trong số thực phẩm có vị ngọt, đồ uống có đường được giới trẻ ưa chuộng hơn cả. Ngoài nước ngọt có gas, để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, nhà sản xuất cho ra thị trường loại nước ngọt vị hoa quả rồi trà xanh, bí đao, nha đam và gần đây các loại nước tăng lực, nước dùng cho hoạt động thể thao ngày càng phổ biến…
Sản phẩm đa dạng, những hình ảnh và lời quảng cáo lung linh, bắt mắt đã “lôi kéo” được không ít người lớn, trẻ nhỏ. Có người coi đây là đồ uống hàng ngày. Có trẻ nhỏ hồn nhiên uống loại nước này thay nước lọc mà không bị người lớn nhắc nhở.
Sử dụng đồ uống chứa đường quá nhiều gây ra hậu quả đáng tiếc với sức khỏe nhưng không phải ai cũng biết. Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc, đường liên quan nhiều đến tỷ lệ béo phì ở trẻ em nói riêng và người dân nói chung. Một trong những nguyên nhân gây béo phì do chế độ ăn uống thừa năng lượng. Chế độ ăn uống được coi là thừa năng lượng, đặc biệt là ở trẻ em có liên quan đến các đồ uống có đường. Bởi khi uống nước ngọt, giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn nhất là các đồ nướng, rán. Như vậy, vô tình trong một bữa ăn chúng ta tiếp nhận gấp đôi lượng năng lượng so với nhu cầu cơ thể.
Điều đáng nói, nếu năng lượng dư thừa trên là rau xanh, hoa quả tươi tuy chứa đường nhưng phần lớn là đường đôi, đường đa kèm chất xơ thì khả năng hấp thụ vào cơ thể ít hơn do mất nhiều thời gian để tiêu hóa và hấp thụ. Còn với năng lượng, đường đơn có trong nước ngọt có gas, đồ uống có đường sẽ ngấm thẳng vào cơ thể. Những năng lượng thừa này nếu không được giải phóng qua lao động hoặc hoạt động thể thao sẽ tích lũy dưới dạng mỡ, lâu dần gây thừa cân, béo phì.
Người béo phì sẽ không thể khỏe mạnh bởi trọng lượng dư thừa không chỉ gây áp lực cho cột sống và các khớp, dễ mắc bệnh đái tháo đường và tim mạch, được nhận định là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.
Tiêu dùng có trách nhiệm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đường và muối là hai chất con người dùng càng ít càng tốt. Theo đó, lượng đường tiêu thụ hàng ngày ở mức 50 gam tương đương 12 thìa cà phê. Như vậy, tính sơ sơ, khẩu phần ăn hàng ngày đã cung cấp đủ lượng đường cho cơ thể. Lượng đường này có thể ở trong cơm, rau xanh, quả chín và trong quá trình pha chế nước chấm hay chế biến thực phẩm…
Hoa quả, rau xanh và thực phẩm dùng hàng ngày đều có lượng đường tự nhiên nhất định. Đây là đường tốt cho sức khỏe. Còn với các loại nước ngọt có gas, nước uống có đường, lượng đường trong mỗi lon hay chai đều chứa rất nhiều đường, thậm chí có những sản phẩm lượng đường còn nhiều hơn cả nhu cầu tiêu thụ trong ngày của cơ thể. Điển hình như 1 chai nước tăng lực Samurai có tới 78 gam đường, 1 lon Coca Cola có trên 36 gam đường hay nước tăng lực Sting chứa đến 62 gam đường/chai.
Cũng theo ông Bắc, đồ uống công nghiệp đang có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển. Việt Nam không phải ngoại lệ. Theo Quy hoạch phát triển ngành rượu bia nước giải khát Việt Nam đến năm 2025 của Bộ Công Thương lượng nước uống có gas, đồ uống thể thao và nước tăng lực, nước uống trái cây tiếp tục tăng. Điều này cho thấy nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm công nghiệp ngày một nhiều.
Về lâu dài, cơ quan chức năng cũng phải tính đến việc kiểm soát đường, muối trong thực phẩm chế biến sẵn cùng với việc tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều đường; Kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm có đường cho trẻ em và học sinh để hạn chế tình trạng… háo ngọt ngay từ khi con bé.