Làm đẹp sớm cho con trẻ để “thay tướng, đổi vận”

GD&TĐ - Không chỉ trong giới showbiz mà rất nhiều phụ huynh đua nhau đi thẩm mĩ với quan điểm đẹp để tự tin thành công hơn. Trào lưu này đã ảnh hưởng rất lớn tới những đứa trẻ về “thay tướng đổi vận”.

Vận mệnh phụ thuộc vào sự tự tin phát triển của mỗi con người. Ảnh minh họa.
Vận mệnh phụ thuộc vào sự tự tin phát triển của mỗi con người. Ảnh minh họa.

Mong đổi vận mệnh

Hiện, nhiều người phẫu thuật thẩm mĩ vì mong muốn có gương mặt hoàn hảo hơn hoặc cho rằng, việc này có thể thay đổi tướng số. Họ ôm hy vọng việc thay da đổi thịt bằng dao kéo sẽ mang tới một vận mệnh mới, tương lai tươi sáng hơn, công danh sự nghiệp tình duyên thuận lợi hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thọ - Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, có ba lý do chính khiến nhiều người phẫu thuật thẩm mĩ. Một là, việc thay đổi khiến họ xinh đẹp, tự tin, dễ kiếm tiền hơn. Hai là, sự biến dạng do tai nạn, di chứng của bệnh tật để lại.

Ba là, những kết luận của thầy tướng số hoặc kiến thức nhân tướng dân gian họ đọc được và cho rằng sở hữu tướng này thì sẽ giàu có, sự nghiệp thuận lợi hoặc sở hữu tướng kia tình duyên sẽ lận đận. Họ chỉnh sửa làm mất đi cái tướng “xấu”, sửa theo tướng “đẹp” để có thể thay đổi vận mệnh.

Lợi dụng tâm lý này của khách hàng, nhiều trung tâm đưa ra các chiêu để “mê hoặc” đối tượng sẵn sàng đầu tư tiền đổi lại là cả một tương lai tốt đẹp, tiền tài phát đạt.

Một số gương mặt giải trí có tiếng thừa nhận lý do phẫu thuật thẩm mĩ khiến họ thành công hơn. Điều này được nhiều người coi là minh chứng, “tem bảo hành” của việc phẫu thuật đẹp hơn, vận số tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thọ cho biết, khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng muốn mình đẹp, gợi cảm, hoàn hảo hơn nên tìm đến những trung tâm thẩm mĩ. Nhưng thực tế cho thấy có quá nhiều bất cập xảy ra. Chúng ta cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi “đụng dao kéo”, nhất là việc người lớn mải mê làm đẹp để thành công hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tư tưởng của con cái trong cuộc sống.

Nếu muốn thay đổi để mọi việc thuận lợi, bản thân mỗi người cần phải thay đổi chính mình. Đó là cách ăn ở, giao tiếp, đối nhân xử thế… Do vậy nếu không thay đổi tâm tính, học cách sống chung với người khác thì dù có sửa tướng xinh đẹp đến mấy thì cũng chẳng thể hòa giải xung đột giữa các mối quan hệ.

Cũng phải thừa nhận, một số người tự ti về hình ảnh bản thân trước xã hội, họ tìm đến phẫu thuật thẩm mĩ để thay đổi, mong muốn xóa đi mặc cảm.

Sau khi chỉnh sửa, họ tự tin hơn về bản thân, kéo theo sự vui vẻ hơn trong cuộc sống của chính mình, dẫn tới những điều tốt đẹp. Nhưng, nên hiểu rằng, đó chính là hệ quả của việc thay đổi tâm tính. Vì vậy, muốn vận số tốt, phải thay đổi bản thân, con người hài hòa ở tâm hồn.

Ảnh hướng tới con trẻ

Nhiều bạn trẻ thấy cha mẹ thích thẩm mĩ thường được nghe nhiều về vấn đề này. Chính vì vậy, các con được nạp kiến thức làm đẹp từ rất sớm. Điều này không những khiến con tò mò muốn thử, thậm chí còn coi đó là chuyện rất bình thường, lâu ngày thành “nghiện” làm đẹp.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Mai – giáo viên Trường THPT Bảo Thắng (Lào Cai) chia sẻ: Con người thường ít khi hài lòng về bản thân. Thông thường khi đã chịu được đau đớn và vượt qua rào cản từ những lần đầu, số lần phẫu thuật thẩm mĩ sẽ ngày một tăng lên. Lúc trẻ, con có thể chỉ sửa cái mắt, mũi… sau đó là nâng ngực, độn cằm, cắt gọt khuôn mặt…

Vì vậy, đừng để con trẻ nạp phong cách làm đẹp từ thẩm mĩ quá sớm. Cha mẹ không chỉ cần làm gương mà còn phải giáo dục con làm đẹp một cách khoa học, có kiến thức như ăn uống lành mạnh, chăm sóc da, tập thể dục… chứ không phải là can thiệp thô bạo từ dao kéo lên cơ thể con. Tuổi trẻ có nhiều việc đẹp đẽ để làm hơn là lao vào những lần chỉnh sửa nhan sắc.

Hơn nữa, cha mẹ coi phẫu thuật thẩm mĩ giúp xinh đẹp dẫn đến thành công ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của con cái sau này. Con luôn cảm thấy tự ti với ngoại hình hiện có. Thậm chí, nếu gặp vận xui trong cuộc sống, con sẽ đổ tại lỗi do đặc điểm trên cơ thể mà thành. Từ đó khiến con trẻ tự mình chán ghét bản thân. Ví dụ, nhiều cô gái có xương gò má cao, những người kém duyên, lấy chồng muộn sẽ cho rằng tại vì khiếm khuyết đó khiến mình không may mắn trong tình duyên, không ai dám lấy mình…

Chị Nguyễn Lê Trang – cán bộ ngân hàng bày tỏ: “Cha mẹ nghiện làm đẹp ảnh hưởng đến con cái không ít. Đó không chỉ là việc học theo để chỉnh sửa bất cứ thứ gì trên cơ thể mà con cảm thấy không hài lòng. Mặt khác, con có thể luôn hoài nghi với mọi người xung quanh và không có niềm tin vào cái đẹp thực sự. Nhiều cha mẹ còn treo phần thưởng nếu con đạt được thành tích nào đó sẽ đồng ý cho con đi thẩm mĩ. Điều này hệ lụy vô cùng lớn khi vô tình “tiêm nhiễm” niềm đam mê thẩm mĩ vào đầu con. Nó khiến cho người trẻ dần mất đi những suy nghĩ về một lối sống tích cực”.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thọ chia sẻ rằng, không có cơ sở thẩm mỹ hay bác sĩ nào biến được “vịt thành thiên nga”. Dù phẫu thuật ở dạng nào thì hậu phẫu cần một thời gian để nghỉ ngơi, dần hồi phục. Một số bệnh nhân còn bị stress sau phẫu thuật bởi họ vẫn chưa thích ứng với cơ thể hoặc gương mặt mới. Lúc này, thường là họ lo lắng liệu những triệu chứng sau phẫu thuật có được cải thiện hay không, hoặc thấy hối hận khi đã quyết định sai lầm. Và một khi đã phẫu thuật thẩm mĩ, bạn không có đường để quay trở lại như trước đó, nhiều người còn có nguy cơ trầm cảm.

Khi tinh thần bạn không tốt, vô tình bạn đã ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mẹ bị trầm cảm trong giai đoạn trẻ trước độ tuổi đi học có thể ảnh hưởng đến các vấn đề cảm xúc và hành vi của trẻ. Thậm chí, dành thời gian ở với mẹ bị trầm cảm trước tuổi đi học có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của trẻ.

“Vì vậy, hãy làm những người cha mẹ tốt và hài hòa tính cách để đẹp trong mắt mọi người hơn là bỏ ra cả đống tiền rồi ảnh hưởng đến sức khỏe, con cái mà vẫn không thay đổi được nội tâm bên trong” – bác sĩ Nguyễn Đức Thọ khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.